HOTLINE

Trở ngại trong tự chủ bệnh viện và kinh nghiệm của các nước

Giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ là trở ngại dễ thấy và ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các bệnh viện trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, kinh nghiệm các nước khi chuyển đổi bệnh viện sang cơ chế tự chủ cho biết việc chuyển đổi cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với mô hình tự chủ đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, trên thế giới có 4 mô hình quản trị bệnh viện, bao gồm: mô hình bệnh viện nhà nước, hoạt động dựa vào ngân sách cấp (Government model), mô hình bệnh viện tự chủ (Board model), mô hình bệnh viện doanh nghiệp (Corporate model), mô hình bệnh viện tư nhân (Private model). Trong đó, mô hình bệnh viện tự chủ đang được nhiều nước quan tâm và áp dụng do các lợi ích mang lại cho cả người bệnh và bệnh viện từ loại hình này. Hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành công khi chuyển đổi các bệnh viện công lập sang mô hình tự chủ chính chính là điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ và thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng.

 

Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM (45/50 bệnh viện) đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng chỉ mới kết cấu 2 trong 4 yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải), còn các chi phí khác vẫn chưa được kết cấu vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin; chi phí quản lý, chi phí đào tạo,…). Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ.

 

Thực tế, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, Giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện mà thiếu tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư,… Như vậy, nếu chuyển sang mô hình quản lý mới (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách được giao) thì bệnh viện luôn trong tình trạng có nhiều nguy cơ và rủi ro. Kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết trở ngại này là chuyển đổi mô hình quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp.

 

Cụ thể như tại Cộng hoà Síp, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, quốc gia này đã chuyển đổi cấu trúc quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp, theo đó, Hội đồng quản trị (Board of Directors – BOD) là hội đồng cao nhất, ngoài Chủ tịch và Phó chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên chính phủ đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các Giám đốc và Phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện. Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện (Executive Board) bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay.

Như vậy, theo mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp, cả Giám đốc và Phó giám đốc chuyên môn đều là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng quản trị bệnh viện và Ban điều hành bệnh viện.

 



Mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp tại Cộng hoà Síp

 

Nếu chưa chuyển đổi cấu trúc quản lý của các bệnh viện tương thích với mô hình tự chủ tài chính như kinh nghiệm của các nước, Sở Y tế kiến nghị UBNDTP cho thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện, Hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện đồng thời tham mưu UBNDTP các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện, thành viên Hội đồng tư vấn bao gồm đại lãnh đạo các Sở, Ngành (Y tế, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tư pháp,…).

 

(Tài liệu tham khảo: “Countries’ experiences in reforming hospital administration structure based on the Parker and Harding model: A systematic review study” - 2021 Journal of Education and Health Promotion | Published by Wolters Kluwer – Medknow)

SỞ Y TẾ TP.HCM
 

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi