TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN TÂN BÌNH
KHOA KHÁM BỆNH
VIỆC NÀO CŨNG CÓ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NÓ
Mọi việc Bác nêu ra đều thiết thực, ngắn gọn, cụ thể. Lời lẽ của Bác là những lời lẽ quen thuộc, mộc mạc, nhân dân thường dùng từ xưa đến nay trong sinh hoạt hằng ngày. Chỉ có khác ở chỗ Bác đã đưa vào đó một nội dung mới. Nhưng dù mới đến đâu, người nghe vẫn thấy dễ hiểu, hợp lý, hợp tình.
Các việc Bác nêu lên để yêu cầu đồng bào thực hiện đều là những điều Bác đã làm bền bỉ trong suốt cuộc đời. Nếu là những điều bây giờ mới đề ra thì Bác gương mẫu làm trước. Ví dụ như việc hô hào nhân dân mười ngày nhịn ăn một bữa để cứu đói. Mỗi tháng ba lần, đến bữa không ăn, Bác tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo thì Tiêu Văn mời Bác đến dự chiêu đãi. Khi Bác về, anh em báo cáo đã đem gom phần gạo của Bác rồi. Bác vẫn quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau.
Đối với Bác, việc lớn, việc nhỏ, việc nào cũng có tầm quan trọng của nó. Bác thường dặn cán bộ tự mình "phải làm gương mẫu cho đồng bào", "miệng nói tay phải làm" "chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ".
Bác dành nhiều thời giờ đi thăm các nơi xa gần. Nhiều cuộc đi thăm, Bác không cho báo trước. Khi Bác đi thăm hội nghị thanh niên, khi thăm cơ quan Uỷ ban Hành chính Hà Nội, Trường Quân chính Việt Nam... Khi Bác đi Nam Định, thăm nhà máy dệt, khi đi Bắc Ninh, Thái Bình. Ngoài việc động viên, giáo dục, Bác còn muốn tìm hiểu tình hình đời sống, tư tưởng, tình cảm của nhân dân và cách thức làm việc của cán bộ.
Liên hệ thực tiễn:
Mỗi CBVC, người lao động chúng ta đều có một bảng phân công công việc, nhiệm vụ cụ thể. Người này làm việc này, người kia làm việc kia. Chúng ta không thể đem ra so sánh: vì sao tôi làm nhiều hơn, công việc của tôi vất vả hơn, anh kia chỉ ngồi đánh máy,… Tất cả chúng ta đều một ngày làm việc 8 tiếng, tuy nhiên đồng nghiệp có người tăng ca, làm thêm chúng ta không biết hết được. Không thể so sánh công tác chuyên môn hay công tác hành chính. Bởi vì nếu không có công tác hành chính, không lập kế hoạch, không lên mục tiêu, tính toán vật tư hay không chấm công, chi tiền thì liệu chuyên môn có thể thực hiện được không? Cũng như chúng ta phải hiểu, có người công nhân sửa chữa đường tàu thì tàu mới chạy được. Bản thân mỗi chúng ta cần phải chủ động học tập nâng cao năng lực, không phải chỉ là thực hiện những kỹ thuật chuyên môn, bên cạnh đó cần phải trao dồi các kỹ năng khác. Mỗi ngày chúng ta không bước tiếp nghĩa là chúng ta đang thụt lùi. Quan trọng không kém là kỹ năng ứng xử để trở thành những người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” như trong di chúc của Bác Hồ để lại. Chính vì vậy “Việc nào cũng có tầm quan trọng của nó”./.