SKĐS - Nuôi thú cưng đang trở thành trào lưu, sở thích của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, chủ nuôi không nhận thức được rằng họ có nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm từ thú cưng nếu không biết cách phòng tránh.
Mắc bệnh vì ngủ với thú cưng
Hiện đang nuôi 2 con mèo, chị Nguyễn Huyền Th. (30 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) cho biết, chị bắt đầu chăm sóc thú cưng từ năm 2022. "Ban đầu tôi nuôi 1 con, nhưng sau đó do con thích nên nuôi thêm 1 con nữa. Tôi rất thích mèo nên xem chúng như người thân, gọi là em và xưng chị. Thời gian rảnh tôi đều quấn quýt bên tụi nó, vuốt ve, ôm ấp và thậm chí cho ngủ chung", chị Th. chia sẻ.
Chị Th. cho biết, thời gian gần đây, chị thường xuyên bị những trận ngứa dữ dội hành hạ. Trên cơ thể, những vết sẹo chưa kịp mờ đã xuất hiện những vết xước mới do gãi. Dù đã đi khám tại các bệnh viện da liễu và dùng thuốc dị ứng hơn năm nay nhưng bệnh vẫn không khỏi dứt điểm.
Người dân đến CDC Nghệ An thăm khám.
"Qua lời giới thiệu của bạn bè, tôi đến xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Kết quả cho thấy tôi bị dương tính với giun đũa chó, mèo và các triệu chứng dị ứng trên da. Tôi được các bác sĩ kê đơn thuốc điều trị bệnh đặc hiệu ấu trùng giun đũa chó mèo và các triệu chứng ngứa", chị Th. nói.
Sau một thời gian điều trị, bệnh của chị Th. tiến triển khá tốt, giảm ngứa nhiều, tuy nhiên, vẫn phải tái khám và đánh giá mức độ đáp ứng điều trị thêm một thời gian nữa.
BS CKI Phạm Đình Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), cho biết bệnh giun đũa chó và mèo có thể lây sang người qua nhiều con đường khác nhau. "Ấu trùng có trong phân của thú cưng thải ra ngoài môi trường có thể lây nhiễm vào nguồn nước và thực phẩm như rau củ quả. Nếu người có thói quen ăn rau sống hoặc đồ chưa qua nấu chín sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra, lông của chó, mèo bay vào đồ ăn của người cũng có thể gây nhiễm giun đũa chó mèo", bác sĩ Tùng chia sẻ.
Trứng giun khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ di chuyển đến ruột, thoát vỏ và trở thành ấu trùng, sau đó xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm nhất là khi chúng gây tổn thương ở phổi, mắt, gan, và não.
"Về con đường lây truyền, khi vật nuôi bị nhiễm giun đũa, sau khi ký sinh, trứng sẽ phát triển và được phóng thích ra môi trường qua phân. Thói quen chăm sóc, ôm, hôn vật nuôi hoặc không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh", bác sĩ Phạm Đình Tùng lý giải.
Lấy máu xét nghiệm máu (ELISA) tìm ký sinh trùng tại CDC Nghệ An.
Tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm giun đũa chó, mèo, bác sĩ Tùng cho biết thêm, bệnh nhân đến khám chủ yếu với triệu chứng ban đầu là ngứa. Đa phần người dân nghĩ ngứa là đến khám tại chuyên khoa da liễu. Có đến 70-90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Thậm chí, có người bị ngứa rất nhiều năm điều trị không khỏi, nhưng khi đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thì phát hiện ra nhiễm giun đũa chó, mèo.
"Quá trình điều trị, có người đáp ứng nhanh, nhưng có người phải dùng 2-3 liệu trình mới khỏi. Mỗi ngày, thú cưng này có thể thải ra hàng nghìn trứng giun. Điều đáng lo ngại là, số lượng bệnh nhân nhiễm ấu trùng này đang gia tăng trong thời gian gần đây và dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó, mèo mà phải thực hiện điều trị theo lộ trình cụ thể", bác sĩ Tùng lưu ý.
Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Đối tượng mắc ấu trùng giun chó, mèo rất đa dạng, thậm chí có trẻ nhỏ từ 2-3 tuổi. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng có biểu hiện ngứa, nổi mẩn kéo dài.
Sống chung an toàn với vật nuôi
Theo thống kê của CDC Nghệ An, mỗi năm Nghệ An có khoảng hàng ngàn người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị. Lãnh đạo CDC cho rằng, việc kiểm soát đàn chó, mèo ở nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh lây từ động vật sang người tăng cao.
Trong năm 2023, CDC Nghệ An đã tiếp nhận thăm khám khoảng 12.900 lượt, trong đó có đến 10.862 lượt người bệnh nhiễm giun đũa từ chó và mèo. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, có 2.011 lượt đến khám, có đến 1.984 người nhiễm giun đũa từ chó và mèo.
Một trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng tạo đường hầm và gây tổn thương trên da người. Ảnh: CDC Nghệ An.
Từ thực tế nói trên, bác sĩ Phạm Đình Tùng khuyến cáo, người nuôi thú cưng cần tẩy sạch giun cho vật nuôi chó mèo định kì 3-6 tháng/lần. Không để phân chó mèo phát tán ra môi trường vì đây là nguồn chứa trứng giun. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm phải trứng giun.
Theo bác sĩ Tùng, các bệnh nhân đến khám do nhiễm ký sinh trùng, có thời điểm đến 70% bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo. Khi nhiễm ấu trùng này, tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban… do ấu trùng di chuyển dưới da. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da…
Bác sĩ đưa ra khuyến cáo, nếu người dân thấy xuất hiện các biểu hiện như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi (thèm ăn, lo lắng, bất an...) nên lập tức đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh.
"Cần vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn. Chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Mặt khác, rửa sạch tay sau khi chơi với vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh. Phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, bảo đảm ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ khu vui chơi của trẻ em.
Không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo. Bởi vì đuôi và lông là khu vực dính rất nhiều chất thải kèm theo trứng giun do đó trẻ rất dễ nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo", bác sĩ Phạm Đình Tùng khuyến cáo.
Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi
- Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú nuôi. Khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng tay.
- Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn.
- Không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc.
- Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.
- Hạn chế hôn hít vật nuôi cũng như ăn cùng chúng.
- Nên tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà.
Nguồn: Suckhoedoisong