HOTLINE

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM GIÚP TRẺ KHỎE MẠNH

1000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng giúp phát triển tốt và nhanh nhất. Đó là thời điểm từ trong bào thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn. Ngược lại, trong 1000 ngày đầu đời của trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. 

 Để giúp trẻ phát triển tốt, trong 1000 ngày đầu đời các bậc phụ huynh hãy thực hiện tốt các lưu ý dưới đây: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng bà mẹ có thai; Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời; Cho trẻ ăn dặm hợp lý; Tạo môi trường sống tốt; Khuyến khích trẻ vận động và chơi thể thao; Giúp trẻ có sự phát triển tâm thần kinh tốt.

3 GIAI ĐOẠN CẦN LƯU Ý:

1. Thời gian mẹ mang thai (280 ngày):

Mẹ cần được chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mang thai, đồng thời có kiến thức vững vàng, chuẩn bị thực hành nuôi con bằng sữa mẹ sau khi bé chào đời. 

Bà mẹ trong thời kỳ mang thai cần phải ăn đa dạng 4 nhóm dưỡng chất. Đảm bảo người mẹ cần tăng cân từ 10 - 12kg, cần uống bổ sung viên sắt với liều lượng 60mg kèm theo acid folic 400mcg mỗi ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới 1 tháng sau sinh. Với những bà mẹ nghén nhiều, ăn ít, lên cân không đạt 10 - 12kg/9 tháng mang thai, cần được bổ sung sữa và uống bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất cần như vitamin B, C, canxi, sắt, kẽm, vitamin A (liều thấp dưới 5.000 iu/ngày).

2. Từ khi bé được sinh ra cho đến khi được 6 tháng tuổi: Trẻ cần được bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ sau sinh và tiếp tục bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

Vì sao trẻ 0-6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ là đủ? Vì giai đoạn này sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và trẻ có thể tiêu hóa, hấp thu được. Trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ khỏe mạnh hơn, cao hơn và ít bị căng thẳng so với trẻ nuôi bằng sữa công thức. Sữa mẹ chứa các kháng thể, các chất cần thiết cho phát triển não bộ. Đây là nguồn thức ăn luôn mới, sạch và có sẵn trong bầu vú, không cần mua, không tốn công chuẩn bị,…

 Lưu ý khi cho con bú: thân con áp sát người mẹ; mặt quay vào vú, mũi đối diện núm vú; đầu và mông bé cần nằm trên một mặt phẳng; đỡ mông và toàn thân của bé.

Dấu hiệu trẻ bú có hiệu quả: trẻ bú chậm, sâu thỉnh thoảng có dừng lại; Sau vài lần mút nghe tiếng nuốt sữa của bé; Tự động nhả vú khi thấy no; Trong khi trẻ ngậm và bú không làm đau đầu vú; Khi trẻ thôi bú vú mẹ hết sữa và mềm lại.

Giai đoạn này số lần đi tiểu sẽ tương đương số lần bú sữa; đi phân su ngày đầu, sau đó sẽ vàng nhạt, nếu trẻ bú nhiều, cử động nhiều số lần đi ngoài sẽ tăng lên nhưng tính chất phân không thay đổi. Cần cân trẻ và theo dõi theo biểu đồ tăng trưởng nếu trẻ tăng cân đều đặn nghĩa là trẻ bú tốt.

3. Từ khi trẻ tròn 6-24 tháng tuổi: Trẻ cần được bổ sung hợp lý theo từng độ tuổi và vẫn được duy trì bú mẹ cho đến 24 tháng tuổi.

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, sự phát triển của trẻ tăng lên rất nhanh, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên. Từ thời điểm này, cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với nhiều thức ăn mới. Chú ý: ăn đủ số bữa và đáp ứng yêu cầu về năng lượng hàng ngày theo khuyến nghị; cho trẻ ăn thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm với ít nhất 5 trong 8 loại nhóm thực phẩm theo khuyến cáo hàng ngày (bao gồm ngũ cốc, hạt và đậu đỗ, rau quả giàu vitamin A, rau quả khác, thịt/cá/phủ tạng, trứng, sữa, dầu mỡ); cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt, ăn thịt, cá hàng ngày; hỗ trợ và chăm cho trẻ ăn no trong các bữa ăn. Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn.

Các mẹ cần ghi nhớ sữa mẹ vẫn là thức ăn chính cho trẻ: năng lượng do sữa mẹ cung cấp chiếm ½ trong lượng thức ăn từ tháng thứ 6 đến hết năm đầu và chiếm 1/3 trong năm thứ 2.

Lượng thức ăn trên được tính cho trẻ bú mẹ, nếu không được bú mẹ thì cho trẻ uống thêm 1-2 cốc sữa và ăn thêm 1-2 bữa ăn/ ngày.

Khi con bạn được 8-9 tháng hãy cho trẻ ăn bằng việc tự cầm nắm các loại thức ăn mềm. Khi con được 1 tuổi bạn có thể ăn hầu hết các loại thức ăn của gia đình miễn chúng có ít hoặc không có gia vị.

Nên cho thêm ½ thìa cà phê dầu ăn/mỡ để tăng khả năng làm mềm thức ăn và hấp thụ vitamin.

Nếu con khát bạn nên cho con uống nước lọc là tốt nhất. Hạn chế thức uống nhiều đường, có gas. Đặc biệt khi con bị tiêu chảy, sốt cần cho bé uống nhiều nước hơn.

Tạo môi trường an toàn cho trẻ: một môi trường tốt cần đầy đủ ánh sáng, không gian rộng mở để cho trẻ nô đùa vui chơi thoải mái giúp phát triển cả tinh thần và vận động cho trẻ, tránh được các nguy cơ tai nạn sinh hoạt và phòng những bệnh như tiêu hóa, hô hấp vì môi trường xung quanh nhiều vi khuẩn và các mầm bệnh. Đây chính là nguyên nhân làm chậm phát triển chiều cao cho bé.

Cần tạo điều kiện cho bé chơi các trò chơi thể thao thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa giúp cơ thể của trẻ phát triển tốt hơn, trẻ ăn ngon ngủ ngon hơn sau khi tập luyện.

Giấc ngủ rất quan trọng cho trẻ vì ngủ sâu giấc và đúng giờ giúp cơ thể tiết kiệm được năng lượng. Đặc biệt là giấc ngủ ban đêm tuyến yên tiết ra hormon GH, hormone này giúp kích thích được sự tăng trưởng của trẻ. Cha mẹ cho trẻ ngủ trước 10 giờ tối. Đặc biệt cha mẹ cần quan tâm đến các chỉ số về cân nặng và chiều cao của trẻ hàng tháng để có những điều chỉnh tốt nhất cho bé.

Nguồn:

1. Bệnh viện Tâm Anh

2. CDC Phú Yên

3. HCDC 

Bs. Nguyễn Thị Ngọc Huyền tổng hợp

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi