HOTLINE

SÀNG LỌC GIANG MAI TRONG THAI KỲ

I. GIỚI THIỆU

Bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Bệnh có thể gây tổn thương ở da, niêm mạc, nếu không được điều trị có thể gây tổn thương các tổ chức và cơ quan khác của cơ thể như cơ, xương, khớp, tim mạch và thần kinh. Việc khám cho người mẹ để phát hiện bệnh giang mai trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ rất quan trọng để chữa trị kịp thời cho người mẹ và phòng tránh trẻ sinh ra đời bị bệnh giang mai bẩm sinh.

II. ĐƯỜNG LÂY VÀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ NHIỄM GIANG MAI

  1. Lây truyền qua đường tình dục: Lây truyền qua đường tình dục là đường lây chủ yếu của bệnh giang mai. Khả năng lây truyền qua tình dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tần suất quan hệ tình dục, kiểu quan hệ tình dục, giai đoạn bệnh giang mai của người mang mầm bệnh, tính nhạy cảm của bạn tình và việc sử dụng bao cao su.

  2. Lây truyền qua đường máu

    Bệnh giang mai có thể lây qua đường máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn), tuy nhiên kể từ khi thực hiện sàng lọc nguồn máu hiến và làm lạnh các sản phẩm máu thì việc lây truyền giang mai qua đường máu hiếm khi xảy ra.

  3. Lây truyền từ mẹ sang con:

    Thai nhi có thể nhiễm giang mai từ mẹ ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng tỷ lệ nhiễm chu sinh lên đến 50% nếu mẹ đang ở giai đoạn sớm (tiên phát hay kỳ 2). Tỷ lệ nhiễm chu sinh giảm khi mẹ mắc giang mai tiềm ẩn sớm (40%) hay muộn (10%) hay giang mai kỳ 3 (10%). Lây cao nhất cho con trong 4 năm đầu tiên kể từ khi mẹ nhiễm giang mai và không được điều trị hay điều trị không đầy đủ. Nếu mẹ được điều trị giang mai đầy đủ trước khi sinh ít nhất 30 ngày, tỷ lệ nhiễm giang mai bẩm sinh cho trẻ (nhất là trong thời gian chu sinh) giảm rất nhiều, chỉ còn 1-2% so với 70% nếu không điều trị.

    II. SÀNG LỌC GIANG MAI TRONG THAI KỲ
  1. Đối tượng và thời điểm sàng lọc

    Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai.

  1. Xét nghiệm Treponemal (Treponemal test)

    Xét nghiệm Treponema (còn được gọi là xét nghiệm đặc hiệu) phát hiện kháng thể IgM và IgG kháng các lipoprotein màng đặc hiệu của Treponema pallidum, được phát hiện khoảng 3 tuần sau nhiễm, bao gồm:

  • TPHA (T. pallidum hemagglutination assay)
  • TPPA (T. pallidum particle hemagglutination assay)
  • FTA-ABS (fluorescent treponemal antibody absorption)
  • CIA (chemiluminescent immunoassays)

    Xét nghiệm dương tính cho biết người bệnh đã từng phơi nhiễm với Treponema pallidum do có sự tồn tại kháng thể lâu dài, không dùng để chẩn đoán dương tính với giang mai. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể dương tính giả với nhóm xét nghiệm này, cần phải làm thêm xét nghiệm non-treponemal để khẳng định.

  1. Xét nghiệm non-treponemal (non-treponemal test)

    Xét nghiệm non-treponemal (còn được gọi là xét nghiệm không đặc hiệu) phát hiện kháng thể IgM và IgG kháng các kháng nguyên lipid (cardiolipin và lecithin) được phóng thích từ tế bào bị tổn thương của người nhiễm và xoắn khuẩn giang mai. Kháng thể này thường không được phát hiện cho đến khoảng tuần thứ 6 sau nhiễm lần đầu. Nhóm xét nghiệm non-treponema bao gồm:

  • VDRL (Venereal Disease Research Laboratory)
  • RPR (Rapid Plasma Reagin)

    Xét nghiệm non-treponemal được sử dụng chẩn đoán xác định giang mai ở người đã có xét nghiệm treponema dương tính. Xét nghiệm RPR thường được sử dụng và thực hiện trên cùng một mẫu máu đã làm xét nghiệm treponemal. Các xét nghiệm non-treponemal giúp phân biệt giữa giang mai được điều trị hoặc không điều trị và cũng được dùng để theo dõi tiến triển bệnh và đáp ứng điều trị.

  1. Xét nghiệm sàng lọc giang mai
  • Sử dụng xét nghiệm T. pallidum miễn dịch tự động (CIA) thuộc nhóm xét nghiệm treponemal với độ nhạy cao giúp nâng cao hiệu quả sàng lọc.
  • Việc sử dụng xét nghiệm T. pallidum miễn dịch tự động (CIA) làm phương tiện sàng lọc ban đầu giúp hạn chế bỏ sót những trường hợp mới nhiễm giai đoạn sớm hơn so với việc sử dụng các xét nghiệm non-treponemal làm phương tiện sàng lọc ban đầu. Sử dụng xét nghiệm EIA/CIA tự động hóa làm phương tiện sàng lọc ban đầu xác định được những người điều trị giang mai thành công trước đó cũng như những người không được điều trị giang mai. Có khả năng phát hiện bệnh giang mai rất sớm so với xét nghiệm non-treponema. Trường hợp kết quả xét nghiệm T. pallidum dương tính không được khẳng định người bệnh nhiễm giang mai mà chỉ gợi ý tình trạng người bệnh đã từng phơi nhiễm với xoắn khuẩn giang mai. Để chẩn đoán cần thực hiện thêm xét nghiệm RPR hoặc TPHA.

Người tổng hợp tin: BS Nguyễn Thị Ngọc Huyền

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi