Viêm gan C triệu chứng thầm lặng, chưa có vaccine phòng bệnh, song có thể trị khỏi bằng thuốc uống trong 3 tháng, tránh nguy cơ thành xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan C trước đây điều trị bằng thuốc tiêm trong một năm tốn hàng trăm triệu đồng. "Vài năm nay bệnh có thể điều trị bằng thuốc uống trong ba tháng với chi phí khoảng 24 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả gần một nửa", BS.CK2 Nguyễn Nguyên Huyền, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói bên lề hội nghị về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024, ngày 20/6.
Theo bác sĩ Huyền, sự thay đổi này giúp số người tiếp cận điều trị viêm gan C ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động là viêm gan C không có triệu chứng điển hình, nhiều người không biết mình mắc bệnh. Từ đó, bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị, bệnh sẽ diễn tiến thành xơ gan, ung thư gan - loại ung thư có tỷ lệ tử vong rất cao, tiên lượng xấu, đang ngày càng tăng dần. Vì vậy, viêm gan C được xem là "sát thủ thầm lặng".
Bộ Y tế ước tính Việt Nam có hơn 900.000 ca viêm gan C, song số được chẩn đoán đến nay chỉ khoảng 59.700. Trong đó, những năm qua chỉ hơn 12.500 người được điều trị khỏi bệnh.
Thuốc điều trị viêm gan C ngày càng hiệu quả cao, rút ngắn thời gian, giá thành giảm hơn so với trước.
Đường lây của viêm gan C gần giống HIV, gồm đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con. Bệnh nhân truyền máu, chạy thận nhân tạo, người tiêm chích ma túy, mại dâm có nguy cơ mắc bệnh. Nguy cơ lây nhiễm còn xảy ra khi xăm thẩm mỹ, thực hiện các thủ thuật y tế như làm răng, nội soi. Người sống chung nhà với bệnh nhân viêm gan C cũng có nguy cơ lây nhiễm do dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay, trêu đùa cắn nhau.
Một khảo sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy khoảng 60% bệnh nhân không biết tại sao mình nhiễm viêm gan C. Hầu hết bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, với các biểu hiện như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn...
Hiện, viêm gan C có thể sàng lọc phát hiện nhờ xét nghiệm máu, chi phí vài chục đến hơn 100.000 đồng, không được bảo hiểm y tế chi trả. Người bệnh sẽ làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá tình trạng virus, chẩn đoán giai đoạn, theo dõi bệnh, chi phí dao động từ 1,7 đến hơn 2 triệu đồng, được bảo hiểm thanh toán.
Năm 2021, Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan virus tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, mục tiêu giảm gánh nặng viêm gan vào năm 2025. Ngành y tế xác định người bệnh ít tiếp cận thuốc điều trị viêm gan C do chi phí chẩn đoán và điều trị còn cao.
Thực tế ở các nước thực hiện tốt loại trừ viêm gan C như Nhật Bản, Đài Loan, có vai trò quan trọng của giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường sàng lọc tầm soát, giảm chi phí điều trị nhờ bảo hiểm y tế.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cố gắng chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan càng sớm càng tốt, đặc biệt là những trường hợp sống chung với người mắc bệnh, người có nguy cơ cao. Khi phát hiện bệnh, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Phòng bệnh bằng cách không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay cắt móng tay với người bệnh. Cẩn trọng khi thực hiện các thủ thuật như xăm. Cẩn thận khi dùng máu hay các chế phẩm từ máu. Bệnh nhân phải trải qua những cuộc phẫu thuật hay chạy thận nhân tạo nên kiểm tra viêm gan C thường xuyên. Quan hệ tình dục lành mạnh. Trước khi kết hôn, phụ nữ có thai nên xét nghiệm, kiểm tra viêm gan.
Nguồn: vnexpress.net