HOTLINE

Hưởng ứng Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ

Người mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có thể hành xử, giao tiếp, tương tác và học hỏi theo những cách khác biệt so với hầu hết mọi người. Thường thì không có đặc điểm ngoại hình nào khiến họ khác biệt với người khác. Khả năng của người mắc ASD có thể rất khác nhau. Ví dụ, một số người mắc ASD có thể có kỹ năng trò chuyện tốt trong khi những người khác có thể không dùng lời nói. Một số người mắc ASD cần nhiều sự giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày, ngược lại ở những người khác có thể làm việc và sống mà cần ít hoặc không cần hỗ trợ.

ASD bắt đầu trước 3 tuổi và có thể kéo dài suốt cuộc đời, mặc dù các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian. Một số trẻ biểu hiện triệu chứng ASD trong vòng 12 tháng đầu đời. Ở những trẻ khác, các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến 24 tháng tuổi hoặc muộn hơn. Một số trẻ mắc ASD đạt được các kỹ năng mới và các cột mốc phát triển cho đến khoảng 18 đến 24 tháng tuổi, rồi sau đó ngừng tiếp thu kỹ năng mới hoặc mất đi những kỹ năng đã từng có.

Khi bước vào giai đoạn thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành, người mắc ASD có thể đối mặt với những thử thách trong việc xây dựng, duy trì tình bạn, giao tiếp hiệu quả với bạn bè đồng trang lứa và người lớn. Việc hiểu và đáp ứng các kỳ vọng về hành vi xã hội ở trường học hay nơi làm việc cũng có thể là một khó khăn. Bên cạnh đó, họ có thể cần đến sự chăm sóc y tế không chỉ vì ASD mà còn vì các tình trạng thường đi kèm như rối loạn lo âu, trầm cảm, hay rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Các tình trạng này có tỷ lệ xuất hiện ở người mắc ASD cao hơn so với dân số chung.

Ngày thế giới nhận thức Tự kỷ là một sự kiện chăm sóc sức khỏe toàn cầu được tổ chức vào ngày 2 tháng 4 hàng năm về việc chấp nhận, hỗ trợ và hòa nhập những người tự kỷ, và để ủng hộ quyền của họ.

Trung tâm Y tế quận Tân Bình

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi