Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 44 bé là con của các bà mẹ tuổi 15–19. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 15.000 – 20.000 ca sinh con ở trẻ dưới 18 tuổi. Đáng lo ngại hơn, xu hướng này chưa có dấu hiệu giảm, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số và trong nhóm thanh thiếu niên thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục. Cụ thể, tỷ suất sinh con ở tuổi 15–19 là 42/1.000 phụ nữ, cao nhất ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên – nơi thiếu kiến thức sức khỏe sinh sản và tập trung đông dân tộc thiểu số.
Nhiều em gái mang thai khi còn đang học trên ghế nhà trường, dẫn đến phải nghỉ học giữa chừng, bị kỳ thị, bạo lực hoặc ép kết hôn sớm. Mang thai sớm cũng làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, sinh non, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân chính là thiếu kiến thức về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản. Giáo dục giới tính ở trường còn hạn chế, trong khi thông tin sai lệch trên mạng lại phổ biến, dễ khiến các em hiểu sai và đưa ra lựa chọn thiếu an toàn.
1. Sự thụ thai: thụ thai là sự kết hợp giữa 1 tinh trùng và 1 trứng để hình thành 1 tế bào có khả năng phát triển gọi là trứng đã thụ tinh. Tinh trùng sinh ra từ tinh hoàn của đàn ông, còn trứng được sản xuất từ buồng trứng của phụ nữ.

2. Dấu hiệu mang thai:
- Có quan hệ xâm nhập đường dương vật - âm đạo.
- Chậm kinh hoặc mất kinh.
- Dấu hiệu sớm: buồn nôn, căng ngực, thay đổi khẩu vị, đi tiểu nhiều, thân nhiệt tăng.
- Dấu hiệu muộn: bụng và ngực to dần, quầng vú sẫm màu, cảm nhận thai máy, tiết sữa non (từ tuần 16).
- Có thể ra máu nhẹ trong 3 tháng đầu, dễ nhầm với kinh nguyệt.
3. Nguy cơ của việc mang thai ở tuổi vị thành niên
- Nguy cơ khi tiếp tục giữ thai và sinh đẻ
- Nguy cơ sức khỏe cao: Dễ gặp biến chứng như thiếu máu, tiền sản giật, sẩy thai, đẻ non, tử vong mẹ và con cao.
- Ảnh hưởng tâm lý: Gây áp lực tâm lý, căng thẳng do chưa sẵn sàng làm mẹ, nhất là khi thiếu sự hỗ trợ.
- Gián đoạn cuộc sống: Bỏ học, khó khăn kinh tế, dễ ly dị, bị phân biệt đối xử.
- Nguy cơ khi phá thai
- Phát hiện thai muộn: Dễ dẫn đến phá thai trễ, gây nguy hiểm như chảy máu, nhiễm khuẩn, rách tử cung, thậm chí tử vong.
- Ảnh hưởng tâm lý: Gây lo âu, trầm cảm, ám ảnh kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

4. Các biện pháp tránh thai phù hợp với vị thành niên
4.1. Bao cao su:
- Là phương pháp duy nhất tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Phổ biến, thông dụng, ít tác dụng phụ, sẵn có
- Dùng từ trước giao hợp, trong và đến khi kết thúc giao hợp.
- Bao cao su phải dùng với chất bôi trơn gốc nước
Mục đích: ngăn tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ quan sinh dục; không cho tinh trùng xâm nhập để gặp trứng

Bao cao su nam
4.2. Viên uống tránh thai kết hợp: là biện pháp tránh thai tạm thời hiệu quả từ 92 - 99%.
- Ưu điểm
- Hiệu quả cao
- Ngừng dùng dễ dàng, không cần bác sĩ hỗ trợ.
- Không ảnh hưởng cảm giác khi quan hệ.
- Giúp chu kỳ kinh đều, giảm lượng máu kinh và đau bụng kinh.
- Nhược điểm
- Không phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Có thể gây tác dụng phụ: thay đổi kinh nguyệt, đau đầu, chóng mặt, căng ngực, thay đổi tâm trạng, mụn…
- Cách sử dụng
- Uống 1 viên mỗi ngày, vào giờ cố định.
- Vỉ 28 viên: uống liên tục, không nghỉ ngày nào.
- Vỉ 21 viên: sau khi uống hết vỉ, nghỉ 7 ngày, rồi uống vỉ tiếp theo.
4.3. Viên uống tránh thai khẩn cấp: sử dụng sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ hoặc khi biện pháp tránh thai khác bị thất bại (ví dụ: quên thuốc, rách bao cao su) hoặc trong trường hợp bị cưỡng bức tình dục (không tự nguyện)
- Hiệu quả chỉ khoảng 75% nếu dùng trong vòng 72 giờ.
- Có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Không bảo vệ khỏi bệnh lây qua đường tình dục.
Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề đáng lo ngại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tâm lý và tương lai của các em gái. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng bản thân các em mà còn là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Gia đình cần là chỗ dựa an toàn, nơi các em được lắng nghe, chia sẻ và định hướng đúng đắn. Trường học cần tăng cường giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh hiểu đúng và biết cách tự bảo vệ bản thân. Cộng đồng cần xây dựng môi trường thân thiện, không kỳ thị, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện.
Bs. Xa Thị Thu Trang – Khoa CSKSSS
Nguồn:
- Truyền thông CSSKSS VTN- TN 2024