HOTLINE

Một số thông tin cần biết về H5N1

H5N1 là gì?

H5N1 là vi rút cúm gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng và nguy hiểm ở các loài chim, gia cầm, thường gọi là cúm gia cầm hoặc cúm chim (avian influenza hay bird flu). Đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm gia cầm lây truyền từ động vật sang người. Người nhiễm bệnh có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 60%.

Nguồn ảnh: Y-T Wu, Academia Sinica

H5N1 lây nhiễm sang người bằng cách nào?

Hầu hết các trường hợp nhiễm H5N1 ở người đều liên quan đến tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết đã nhiễm bệnh hoặc môi trường ô nhiễm H5N1. Vi rút không dễ dàng lây nhiễm cho người, khả năng lây truyền từ người sang người dường như không phổ biến. Hiện chưa ghi nhận thực phẩm làm từ gia cầm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ, có nguy cơ lây nhiễm vi rút sang người.

Tuy nhiên, vi rút có khả năng đột biến để lây truyền từ người sang người, từ đó gây ra đại dịch cúm.

Vì sao cần lưu tâm đến cúm H5N1?

Nhiễm vi rút H5N1 ở người có thể gây ra triệu chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao. Nếu vi rút H5N1 biến đổi và trở nên dễ lây nhiễm giữa người với người, đồng thời vẫn giữ độc tính thì hậu quả cho sức khỏe cng đồng có thể rất nghiêm trọng.

Triệu chứng của nhiễm vi rút cúm H5N1 là gì?

Các triệu chứng của nhiễm H5N1 có thể bao gồm:

  • Sốt (thường là sốt cao trên 38°C)
  • Mệt mỏi
  • Ho
  • Đau họng
  • Đau cơ.

Những triệu chứng xuất hiện sớm khác có thể bao gồm đau bụng, đau ngực và tiêu chảy.

Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành triệu chứng hô hấp nặng (như khó thở, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp) và thay đổi về thần kinh (thay đổi tri giác hoặc co giật). 

Nguồn ảnh: internet.

Ăn thịt gia cầm, chim hoang dã có an toàn không?

Có thể sử dụng các loại thịt gia cầm nếu chúng được chế biến, nấu chín đúng cách. Vi rút H5N1 rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nhiệt độ bình thường được sử dụng để nấu ăn sẽ tiêu diệt vi rút. Biện pháp phòng ngừa cần thiết theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đó là phải luôn chế biến thịt và các sản phẩm từ gia cầm theo các phương pháp hợp vệ sinh và nấu chín kỹ.

Đến nay, đa số các trường hợp nhiễm vi rút H5N1 ở người liên quan đến giết mổ tại nhà và xử lý gia cầm bị bệnh hoặc chết trước khi nấu ăn. Các thói quen này là nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất ở người và cần phải phòng tránh.

Điều trị cúm H5N1 ở người như thế nào?

Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm tiến triển nặng ở người cần phải điều trị và có thể cần phải chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.

Có vắc xin phòng ngừa lây nhiễm H5N1 không?

Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa lây nhiễm H5N1 ở người.

Vắc xin cúm mùa có thể bảo vệ chúng ta khỏi vi rút H5N1 không?

Vắc xin cúm mùa chưa được chứng minh có thể bảo vệ con người khỏi vi rút H5N1.

WHO có những động thái nào để ứng phó với H5N1?

WHO đang phối hợp với các quốc gia để phát hiện giám sát các trường hợp nhiễm H5N1 ở người (nếu có) đồng thời hợp tác với các đối tác và cơ quan y tế toàn cầu, bao gồm Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của các bệnh có nguồn gốc động vật (zoonotic diseases).

Hệ thống phòng thí nghiệm toàn cầu của WHO, Hệ thống Giám sát và Ứng phó Cúm Toàn cầu (GISRS) sẵn sàng xác định và giám sát các chủng vi rút cúm đang lưu hành, cung cấp lời khuyên cho các quốc gia về nguy cơ đối với sức khỏe con người và các biện pháp điều trị hoặc kiểm soát có sẵn.

Bs.Điêu Minh Nhật (lược dịch từ WHO)

Nguồn: https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/influenza-h5n1

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi