Mọi người đều có thể bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thông qua việc rửa tay bằng xà phòng. Đây là phương pháp đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích rất đáng kể. Theo thống kê cho thấy, vệ sinh tay có thể giúp giảm lây truyền một loạt các bệnh, cụ thể:
+ Rửa tay bằng xà phòng có thể giảm 30% bệnh tiêu chảy.
+ Rửa tay bằng xà phòng có thể làm giảm đến 20% bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
+ Rửa tay đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm sự lây truyền các dịch bệnh chẳng hạn như bệnh tả, Ebola, SARS, COVID-19, …
+ Rửa tay giúp bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc y tế và giảm sự lây lan vi khuẩn kháng thuốc.
+ Rửa tay có thể góp phần giảm thiểu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Để mọi người có thể thực hành việc rửa tay, chúng ta cần được tiếp cận với các phương tiện vệ sinh tay được đặt ở vị trí thuận tiện và dễ sử dụng. Tuy nhiên, theo thống kê vào năm 2020, trên thế giới chỉ có 71% người dân được tiếp cận với cơ sở vật chất cho việc rửa tay cơ bản. Điều này khiến 2,3 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh tay cơ bản, bao gồm 670 triệu người không có bất kỳ phương tiện nào cho việc rửa tay.
Bên cạnh đó, dữ liệu về khả năng tiếp cận vệ sinh tay trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng thấp, chỉ có sẵn cho 71 quốc gia. Trong số này, chỉ có 50% cơ sở y tế được tiếp cận với nguồn nước cơ bản và 74% có dịch vụ vệ sinh tay. Điều đó khiến gần 2 tỷ người đến các cơ sở y tế mà không có phương tiện cho việc vệ sinh tay.
Đối với trường học, trong số 107 các quốc gia có sẵn dữ liệu về dịch vụ rửa tay trong trường học, chỉ 58% cung cấp các phương tiện rửa tay cơ bản và 25% không có dịch vụ (không có tiện nghi hoặc không có nước). Điều này có nghĩa là 818 triệu sinh viên hiện tại không có nơi để có thể rửa tay.
Chính vì thế, chủ đề Ngày Thế giới rửa tay năm 2022 là “Đoàn kết vì bàn tay sạch”. Thông qua đó, cho thấy việc hành động chung và hợp tác là điều cần thiết để đưa ra các chiến lược vệ sinh tay thành công và bền vững. Chủ đề của năm nay kêu gọi chính phủ, các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, nhà nghiên cứu và những người ủng hộ cùng nhau đoàn kết hành động để đạt được mục tiêu vệ sinh tay cho tất cả mọi người.
Ngọc Hà, Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM
Nguồn:
https://globalhandwashing.org/wp-content/uploads/2022/08/GHD-2022-Fact-Sheet.pdf