HOTLINE

PHƯỜNG 1 QUẬN TÂN BÌNH GIÁM SÁT ĐỊNH KỲ CÁC ĐIỂM NGUY CƠ NĂM 2022

Trước tình hình dịch bệnh SXH tăng 378,8% với cùng kỳ năm 2021 là 8.240 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 679 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 32 là 1.72% (679/39.449) tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5% (38/8.240). Trong tuần 32 (từ ngày 01/08/2022 đến 07/08/2022), Thành phố ghi nhận 3.066 ca bệnh SXH, giảm 6,4% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 3,5% và ngoại trú giảm 9,4%. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH tại thành phố Thủ Đức. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 17 trường hợp. Riêng phường 1 quận Tân Bình, số ca SXH tính tới ngày 07/8/2022 là 40 ca, trong đó, tháng 7 là 6 ca, tuần đầu tiên của tháng 8 (từ ngày 1/8 – 7/8/22) là 7 ca.

Vì vậy, sáng ngày 11/8/2022, Trạm y tế phường 1 phối hợp Ủy ban nhân dân tiếp tục tái kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ trên địa bàn phường, cụ thể quán cà phê, khu nhà trọ và các công trình xây dựng.

   

Kiểm tra lăng quăng ở cống thoát nước đường hầm chung cư

Kiểm tra lăng quăng ở các công trình xây dựng

 

 

Lập bản cam kết diệt lăng quăng

Qua buổi kiểm tra, giám sát, Trạm y tế khuyến cáo: Muỗi sống tại các khu vực gần với nơi loài người sinh sống và muỗi Dengue đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xa,…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.  Do đó để phòng tránh bệnh sốt xuất hiện, mỗi người chúng ta cần thực hiện 7 nguyên tắc để không có lăng quăng:

  1. Ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước: Dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.
  2. Sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi: Thả các loài động vật ăn lăng quăng như: cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước (mesocyclops), … vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng
  3. Sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi: Cho vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực dọng nước các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn, … hoặc các hóa chất chuyên dụng như: Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% để tiêu diệt lăng quăng
  4. Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa
  5. Loại bỏ vật chứa: Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng
  6. Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước: Thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ mỗi 5 - 7 ngày 1 lần
  7. Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.

 

CNĐD. Vũ Hoàng Dung – TYT P.1

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi