Để chủ động kiểm soát tốt trong công tác phòng, chống các dịch bệnh trên địa bàn Phường 1 như Sốt xuất huyết, Covid-19, Đậu mùa khỉ … với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Vào 19 giờ, ngày 25/8/2022, Ủy ban nhân dân phường 1 phối hợp Trạm y tế tổ chức buổi truyền thông bệnh Đậu mùa khỉ, covid-19 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với sự tham dự của các ban ngành đoàn thể, 5 khu phố và 64 tổ dân phố.
Báo cáo viên: Bác sĩ Hà Nam Thành - Trạm Y tế Phường 1
Tại buổi truyền thông, Bác sĩ Hà Nam Thành - Trạm Y tế Phường 1 cung cấp kiến thức cơ bản về bệnh Đậu mùa khỉ, trong đó lưu ý những biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt hơn là những đối tượng có hệ miễn dịch kém, người gia, trẻ em. Và để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe
Người tham dự đặt câu hỏi về bệnh Đậu mùa khỉ
Tiếp theo, bác sĩ Thành nhấn mạnh: “Covid-19 là một bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đừng mạo hiểm sức khỏe của bạn. Hãy tiêm vaccin ngay khi đến lượt” (Theo Tổ chức y tế Thế giới khuyến cáo), nhất là những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình hoặc nặng nên được ưu tiên tiêm 1 liều bổ sung vaccin phòng covid-19 sau 1 đến 3 tháng. Và nếu bị mắc covid-19 sau khi được tiêm vaccin, có nhiều khả năng nhẹ hoặc không có triệu chứng hơn là khi bạn chưa được tiêm.
Đồng thời cũng nhắc nhở mọi người không lơ là chủ quan phòng bệnh Sốt xuất huyết, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, hòn non bộ; loại bỏ các vật phế thải; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp Trạm y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi; và khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2022 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại khoản 1, khoản 2 của Điều 6 có nêu vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm.
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.
CNĐD. Vũ Hoàng Dung – TYT Phường 1