Ngày 26/7/2024, Trạm y tế tham mưu Ủy ban nhân dân phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phường 1 tổ chức buổi truyền thông phòng chống bệnh Bạch hầu và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với sự tham dự của 34 người gồm các ban ngành đoàn thể, các khu phố và người dân trên địa bàn.
Trong buổi truyền thông, bác sĩ Nguyễn Thanh Trí – Trưởng Trạm y tế Phường 1 trình bày các nội dung nhận biết bệnh bạch hầu, triệu chứng, cách lây truyền bệnh, nguy cơ khi mắc bệnh và cách phòng tránh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trí báo cáo tại Hội nghị
Bác sĩ Trí nhấn mạnh bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính, dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu như: sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), da hơi xanh, chán ăn, xuất hiện giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.
Tại Hội nghị, Bs Trí tuyên truyền đối với người tham dự tích cực, vận động người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Đồng thời, báo cáo viên cũng lưu ý người dân đi về từ vùng có ca bệnh bạch hầu, người tiếp xúc với ca nghi mắc bệnh cần tự giác khai báo cho trạm y tế để lập danh sách, hướng dẫn theo dõi sức khỏe và chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân phòng bệnh, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Bác sĩ Trí trình bày tại Hội nghị về một số điều, khoản của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó lưu ý nội dung khoản 1 và khoản 2 điều 6: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, bác sĩ Trí kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại nơi ở, môi trường xung quanh và nơi làm việc.
Nhân viên trạm Y tế kiểm tra điểm nguy cơ là công trình xây dựng
Chủ công trình ký cam kết không để phát sinh lăng quăng, dịch bệnh SXH xung quanh điểm nguy cơ
Ban ngành đoàn thể thực hiện tổng vệ sinh môi trường hàng tuần
Kết thúc buổi truyền thông, các đại biểu tham dự cập nhập được kiến thức về phòng, chống bệnh bạch hầu và nội dung một số điều trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng./.
Tin, ảnh: Phòng DS-TT&GDSK - TYT P.1