Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức, các quận huyện và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1).
Trường hợp F1 nào đủ điều kiện cách ly tại nhà?
Đối tượng áp dụng cách ly y tế tại nhà là người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 hay còn gọi là F1, có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với SARS- COV-2 trong khi chờ thực hiện xét nghiệm khẳng định RT- PCR. Bên cạnh đó, F1 thuộc một trong các nhóm sau: Người tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 nhưng không thường xuyên; Người làm việc cùng phòng với các bệnh nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh; Người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, thai phụ, người tàn tật… cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Ngoài ra, người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với SARS- COV-2 cũng sẽ được chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về cách ly tại nhà.
Việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly tại nhà sẽ được thực hiện ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly. Đối với các đối tượng vừa cách ly tập trung 14 ngày, sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.
Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phải tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Theo quy định của Bộ Y tế, nơi cách ly là nhà riêng lẻ, trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”. Phải có phòng cách ly riêng khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Phòng cách ly phải đảm bảo khép kín, có nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng. Trong phòng cách ly có thùng đựng rác thải màu vàng, có nắp đậy mở bằng chân, lót lớp túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm, khẩu trang, được ghi dòng chữ: “Chất thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-COV-2”; Ngoài ra có thùng đựng chất thải sinh hoạt, có nắp đậy mở bằng đạp chân và có lót túi màu xanh. Phòng cách ly tại nhà không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng và phải đảm bảo thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ. Có máy giặt hoặc xô chậu đựng quần áo để người cách ly tự giặt; Người cách ly phải tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng hàng ngày. Bên cạnh đó phải trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân để người nhà mặc vào khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người cách ly. Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm mang đồ dùng vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Y tế phối hợp chính quyền địa phương giám sát việc cách ly F1 tại nhà
Các trạm y tế sẽ tổ chức thẩm định điều kiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1, sau đó tham mưu ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn ban hành quyết định cách ly F1 tại nhà. Hàng ngày, trạm y tế sẽ tiếp nhận thông tin và kiểm tra tình trạng sức khỏe người cách ly, người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly; hỗ trợ đo thân nhiệt nếu những đối tượng này không tự lo được; ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Minh Hà, Yến Thư – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC)