HOTLINE

TRẠM Y TẾ PHƯỜNG 1 TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN PHÒNG NGỪA CÚM A/ H5N1 VÀ NGHỊ ĐỊNH 117/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Căn cứ công văn số 1277/SYT-NVY về việc tăng cường phòng, chống bệnh Cúm A/ H5N1 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, vào 19g ngày 03/3/2023, Trạm Y tế phường 1 phối hợp Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 1 tổ chức buổi truyền thông về Cúm A/ H5N1 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với sự tham dự của 45 người gồm các ban ngành đoàn thể, các khu phố và tổ dân phố.

Bs. Hà Nam Thành – Trạm y tế phường 1 chia sẻ những kiến thức cơ bản về bệnh cúm A/ H5N1

Tại buổi tuyên truyền, bác sĩ Hà Nam Thành – Trạm y tế phường 1 chia sẻ những kiến thức cơ bản về bệnh cúm A/ H5N1và cách phòng ngừa bệnh, cụ thể:

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

H5N1 có những đặc điểm đáng chú ý như:

  • Có tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao – có thể gây bệnh nặng ở người
  • Có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác
  • Do theo các đàn chim cư trú nên có độ lan truyền cao
  • Có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm (chim, gà) sang người
  • Khả năng tồn tại: Sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C, ở 37 độ C có thể sống tới 6 ngày trong phân gia cầm, sống trong nhiều năm nếu ở môi trường đóng băng.

1. Triệu chứng cúm A H5N1 ở người

Khi bị nhiễm cúm A H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.

Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường,…). (2)

2. Cúm A H5N1 lây qua đường nào?

Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như:

  • Tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh
  • Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh
  • Tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh
  • Ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín

3. Cách phòng ngừa cúm A H5N1

Hiện tại vaccine phòng ngừa cúm A H5N1 vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa phổ biến rộng rãi. Cả thuốc đặc trị hay phòng ngừa vẫn đang được nghiên cứu. Do đó để phòng ngừa H5N1, chúng ta cần tập trung vào các yếu tố sau:

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống: Không tiêu thụ sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh, nấu chín kỹ thịt gia cầm/ các sản phẩm từ gia cầm, vệ sinh/ sát khuẩn đường mũi họng hằng ngày.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh, gia cầm nhiễm bệnh. Nếu cần tiếp xúc thì phải trang bị các thiết bị phòng bệnh (khẩu trang, kính, mũ, quần áo bảo hộ) và rửa tay trước – sau khi tiếp xúc.
  • Nâng cao sức khỏe: Ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện điều độ là cách giúp tăng cường sức khỏe nói chung và hệ miễn dịch nói riêng; từ đó khả năng chống đỡ bệnh tật sẽ tốt lên.

4. Điều 6. Vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đủ nước uống, nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

b) Không có hoặc có công trình vệ sinh nhưng không bảo đảm yêu cầu vệ sinh trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

c) Không đủ ánh sáng trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật;

d) Không giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường;

đ) Không tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh hoặc không kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường; không triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong cơ sở giáo dục.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi sản xuất, kinh doanh, xử lý chất thải công nghiệp và biện pháp vệ sinh khác theo quy định của pháp luật làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm.

          CNĐD. Vũ Hoàng Dung – TYT Phường 1

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi