Bệnh lao phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD đều là bệnh lý có nhiều đặc điểm tương đồng dễ gây nhầm lẫn. Để chẩn đoán chính xác và có được phương hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân nên nắm rõ những thông tin cơ bản và cách phân biệt 2 loại bệnh trên.
1. Nguyên nhân gây bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi là bệnh lý ở phổi do vi khuẩn lao gây ra, có thể lây từ người này sang người khác chủ yếu thông qua đường hô hấp. Người mắc bệnh lao phổi nếu xét nghiệm thấy có vi khuẩn trong đờm thì khi nói chuyện, hắt hơi sẽ vô tình phát tán vào môi trường một lượng lớn vi khuẩn lao gây nhiễm bệnh cho người khác. Các tiếp xúc khác như bắt tay, đụng chạm... không lây bệnh lao.
Bệnh lao phổi thường có biểu hiện bán cấp (nghĩa là không diễn tiến cấp tính như các bệnh lý viêm phế quản, viêm phổi nhưng không phải kéo dài mãn tính như bệnh COPD, tiểu đường, suy tim v.v....).
Hình ảnh Vi khuẩn lao phổi
2. Nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Nếu như bệnh lao phổi là bệnh lý có biểu hiện bán cấp (nghĩa là không diễn biến cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản nhưng cũng không mang tính chất kéo dài mãn tính như tiểu đường, suy tim..) thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD lại thuần là bệnh lý mãn tính do nguyên nhân chủ yếu là thuốc lá, thuốc lào và các yếu tố môi trường ô nhiễm gây ra.
Khác với bệnh lao phổi, COPD không phải do vi khuẩn gây ra nên không lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên nếu 1 nhóm người cùng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (như khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm) thì có thể biểu hiện bệnh tương tự nhau.
Có từ 80-90% những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có liên quan đến thuốc lá nhưng chỉ 15-20% những người hút thuốc lá mắc COPD. Nghiên cứu cho thấy những người càng “nhạy cảm” với khói thuốc lá thì càng dễ bị mắc bệnh nặng.
3. Phân biệt triệu chứng
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là ho, khạc đờm và khó thở khi gắng sức và ngày càng có chiều hướng gia tăng.
- Ho dai dẳng hoặc gián đoạn từng đợt:Do tính chất của bệnh lý mãn tính nên COPD gây ho kéo dài trong ít nhất 3 tháng trong 1 năm, ho khan hoặc có đờm. Đây cũng là triệu chứng thường gặp và khó thấy ở các bệnh phổi khác như giãn phế quản, lao phổi...
- Khó thở:Người bệnh sẽ cảm thấy khó thở dần theo thời gian, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở kể cả khi nghỉ ngơi và liên tục khó thở. Bệnh nhân phải gắng sức để thở, có cảm giác thiếu không khí hoặc thở nặng nề, thở khò khè, hổn hển.
Theo thời gian các triệu chứng ho, khạc đờm dai dẳng, khó thở sẽ nặng dần theo thời gian. Thường dấu hiệu ho khạc đờm xuất hiện trước sau đó mới xuất hiện thêm triệu chứng khó thở, khi bệnh nhân khó khăn khi thở là đó cũng là lúc bệnh nhân đã bước vào giai đoạn nặng.
Bệnh lao phổi thường thể hiện các triệu chứng chung của hội chứng nhiễm lao như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ hay ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm về chiều tối, đi kèm với các triệu chứng ở phổi như ho, khạc đờm, đôi khi ho ra máu.
Cách tốt nhất để phát hiện ra bệnh lao phổi là bạn cần đến bệnh viện tầm soát lao phổi nếu thấy các dấu hiệu:
- Ho, khạc đờm kéo dài từ 3 tuần trở lên
- Ho ra máu
- Đau ngực hoặc đau khi thở hoặc ho
- Mệt mỏi, biếng ăn, cơ thể suy kiệt, sụt cân ngoài ý muốn.
Tổng hợp tin: Y sĩ Nguyễn Đăng Khoa – Khoa Liên chuyên khoa