HOTLINE

Bệnh tả: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh tả ở người do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá. Đây là một bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch lớn với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu qua ăn, uống.

1. Nguyên nhân gây bệnh tả

Vi khuẩn vibrio cholerae là nguyên nhân gây ra bệnh tả ở người. Chúng phát triển tốt trong môi trường có nhiều dinh dưỡng, môi trường kiềm như: Trong nước, thức ăn, trong cơ thể của các động vật biển (cá, cua, sò biển...)... đặc biệt là trong nhiệt độ lạnh, phẩy khuẩn tả có thể sống được vài ngày đến 2 - 3 tuần. Phẩy khuẩn tả có bị tiêu diệt bởi nhiệt độ (80°C/5 phút), hóa chất diệt khuẩn thông thường và môi trường acid.

Độc tố cholerae do vi khuẩn tả sản sinh trong ruột non chính là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh. Độc tố này liên kết với thành ruột, cản trở dòng chảy bình thường của natri và clorua, làm cho cơ thể tiết ra một lượng nước khổng lồ, dẫn đến tiêu chảy và nhanh chóng mất một lượng lớn nước và điện giải.

Nguồn nước ô nhiễm là nguồn bệnh chính của bệnh tả, ngoài ra sò ốc sống, trái cây tươi sống, rau quả và các loại thực phẩm khác cũng có thể chứa vi khuẩn cholerae.

Các thể bệnh tả

- Thể bệnh tả không triệu chứng

- Thể nhẹ: Bệnh tả giống như tiêu chảy thường.

- Thể điển hình: Bệnh tả có diễn biến cấp tính, biểu hiện là nôn và tiêu chảy số lượng lớn

- Thể tối cấp: Bệnh tả diễn tiến nhanh chóng, mỗi lần đi tiêu chảy mất rất nhiều nước, vô niệu, toàn thân suy kiệt nhanh chóng sau vài giờ tiêu chảy và có thể tử vong do trụy tim mạch.

- Bệnh tả ở trẻ em: Gặp phổ biến là thể nhẹ giống như bệnh tiêu chảy thông thường. Ở những trẻ lớn hơn, tiêu chảy và nôn mửa xảy ra giống như người lớn, có thể kèm theo sốt nhẹ.

- Bệnh tả ở người già: Thường dẫn đến biến chứng suy thận dù đã được bù dịch đầy đủ.

Bệnh tả chủ yếu truyền qua nguồn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm khuẩn

2. Bệnh tả có lây không?

Bệnh tả chủ yếu truyền qua nguồn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Ở các nước phát triển, hải sản thường là nguyên nhân chính, còn ở các nước đang phát triển con đường truyền chủ yếu từ nguồn nước.

Khi ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn, hầu hết chúng không thể sống sót được trong môi trường acid của dạ dày người.

Một số vi khuẩn sống sót vượt qua khỏi dạ dày và đến ruột non, chúng sẽ di chuyển qua màng nhầy dày của ruột để đến thành ruột, nơi mà chúng có thể phát triển mạnh.

Vi khuẩn V. cholerae bắt đầu sản xuất các sợi xoắn xoay để đẩy mình qua chất nhầy của thành ruột non.

Khi đến thành ruột, V. cholerae bắt đầu sản xuất các độc tố gây tiêu chảy lượng lớn ở người bị nhiễm. Hậu quả dẫn đến là đưa các lứa vi khuẩn mới vào nguồn nước uống và sẽ đi vào những vật chủ tiếp theo nếu không có các biện pháp vệ sinh thích hợp và đúng chỗ.

3. Triệu chứng của bệnh tả

Các biểu hiện chính của bệnh tả là tiêu chảy nhiều, không đau bụng và nôn mửa những chất lỏng trong suốt. Tiêu chảy đã từng được mệnh danh là "cái chết xanh" do da của bệnh nhân chuyển sang sắc xám xanh là kết quả của việc mất quá nhiều nước.

- Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ vài giờ cho đến 5 ngày.

- Thời kỳ khởi phát biểu hiện chủ yếu là sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần.

- Thời kỳ toàn phát bệnh nhân tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi 10 đến 20 lít nước chất thải một ngày. Đặc điểm đại tiện ra phân trong bệnh tả điển hình chỉ toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không thấy có nhầy máu.

Nôn mửa rất dễ dàng, lúc đầu nôn ra thức ăn, lúc sau nôn ra toàn nước. Bệnh nhân mắc bệnh tả thường không sốt, ít khi đau bụng. Tình trạng mất điện giải gây mệt lả, chuột rút...Triệu chứng mất nước: tụt huyết áp, mạch nhanh, mắt trũng, da nhăn nheo, giảm nước tiểu....

-Thời kỳ hồi phục bệnh tả ở người thường diễn biến từ 1 - 3 ngày nếu được bù đủ nước và điều trị kháng sinh phù hợp.

Bệnh tả ở người là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra

4. Phòng ngừa bệnh bệnh tả

Để phòng ngừa bệnh tả chúng ta cần có các thói quen sau:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng chất khử trùng tay có cồn.

- Uống nước đun sôi hoặc đã được khử trùng.

- Ăn thực phẩm còn nóng và được nấu chín hoàn toàn, tránh những thực phẩm bán hàng rong ngoài đường không đảm bảo vệ sinh

- Tránh ăn các món hải sản sống.

- Gọt vỏ trái cây, rau quả trước khi ăn, chẳng hạn như chuối, cam, nho.

- Cảnh giác với các thực phẩm từ sữa, bao gồm cả kem và sữa chưa tiệt trùng.

Ngoài ra để phòng bệnh tả cần uống vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng của các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người bị nhiễm HIV, ở những quốc gia mà bệnh tả vẫn còn nhiều.

5. Điều trị bệnh tả

Nguyên tắc điều trị bệnh bệnh tả là cần cách ly bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả. Bổ sung nước và điện giải nhanh chóng, đầy đủ. Sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn.

Điều trị bệnh tả cụ thể:

- Bù nước và điện giải: mục tiêu là để thay thế nước và các chất điện giải bằng các loại dịch qua đường uống (oresol, nước cam chanh...)

- Dịch truyền tĩnh mạch: Trong bệnh tả, hầu hết triệu chứng sẽ giảm nếu được bù nước bằng đường uống, nhưng nếu bệnh nhân mất nước nghiêm trọng, bác sĩ có thể cho truyền dịch tĩnh mạch.

- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh không cần thiết cho việc điều trị bệnh tả, nhưng một số loại thuốc có thể làm giảm cả số lượng và thời gian tiêu chảy. Một liều doxycycline hoặc azithromycin có thể có hiệu quả.

- Bổ sung kẽm: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng kẽm có thể làm giảm và rút ngắn thời gian tiêu chảy ở trẻ em mắc bệnh tả.

Cần bù nước khi mắc bệnh tả

Khi mắc bệnh tả cần bù nước và điện giải qua đường uống (uống ORS). Với những bệnh nhân có thể uống được, mất nước nhẹ, hoặc ở thời kỳ bình phục, cần bù nước, điện giải bằng đường uống càng sớm càng tốt. Uống oresol ( NaCl 3,5g; NaHCO3 2,5g; KCl 1,5 g và 20g Glucose) pha trong 1 lít nước đã được đun sôi.

Trường hợp không có Oresol có thể sử dụng nước dừa non thêm một ít muối, hoặc pha dung dịch thay thế gồm 8 thìa cà phê đường với 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước đã được đun sôi để nguội.

Cho người bệnh uống theo nhu cầu, nếu nôn nhiều cho uống bằng thìa nhỏ hoặc từng ít một.

Chế độ dinh dưỡng: người bệnh nên ăn sớm nếu có thể, ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu. Ở trẻ em tiếp tục bú sữa mẹ đầy đủ.

Khi có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi