Bệnh do nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư v.v…) và người có cơ địa suy giảm miễn dịch [1].
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra [2].

Người bệnh xuất hiện triệu chứng: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn và trên lâm sàng hướng tới bệnh do não mô cầu. [2]

Phòng bệnh do nhiễm não mô cầu
- Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.
- Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế.
- Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất [2].
- Đeo khẩu trang khi mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh, khi đến nơi đông người đặc biệt là đến bệnh viện.
- Nếu tiếp xúc gần với người bệnh não mô cầu, cần thông báo với nhân viên y tế địa phương để được uống kháng sinh dự phòng [3].
Trương Thị Mỹ Phương/Khoa Kiểm soát bệnh tật
Tài liệu tham khảo
[1] Quyết định số 975/QĐ-BYT ngày 29 tháng 3 năm 2012
[2] Quyết định số 3897/QĐ-BYT ngày 12/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế
[3] Những điều cần biết về bệnh não mô cầu - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố - https://hcdc.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-nao-mo-cau-cVWAjp.html