HOTLINE

BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH THỦY ĐẬU

Thủy đậu là bệnh da nhiễm trùng cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra với biểu hiện lâm sàng là các mụn nước, mụn nước rốn lõm, bóng nước, mụn mủ, vảy tiết, thương tổn nhiều tồn tại và rải rác cơ thể. Bản chất của bệnh thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng trong những trường hợp bệnh nặng và không được chăm sóc đúng cách, chữa trị kịp thời. Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 4,2 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu bị biến chứng nghiêm trọng dẫn tới nhập viện và 4.200 ca tử vong liên quan xảy ra trên toàn cầu [1].

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu

 Nhiễm trùng huyết

Là biến chứng làm cho sức khỏe của trẻ suy sụp rất nhanh và nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Viêm phổi

Viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh. Các vấn đề ở đường hô hấp do nhiễm Varicella gặp ở trẻ em là phổ biến, nhất là trẻ nhỏ hơn một tuổi, chủ yếu là những trẻ trong cùng gia đình [2]. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng thần kinh

Bệnh thủy đậu gây biến chứng ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến mất điều hòa tiểu não tương đối nhẹ đến viêm não- màng não có thể nguy hiểm đến tính mạng, viêm màng não hoặc viêm mạch máu lớn và nhỏ [3]. Thường gặp ở trẻ <5 tuổi và người lớn >20 tuổi, các biến chứng có thể gặp gồm:

- Viêm màng não, viêm não: U não, viêm màng não do thủy đậu tuy hiếm gặp nhưng thường để lại những di chứng nặng nề như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần, động kinh… gây ra gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội. Tỷ lệ tử vong chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.

- Viêm tủy cắt ngang.

- Viêm màng não vô khuẩn.

- Viêm thần kinh ngoại biên [2].

Viêm da bội nhiễm

Khi mắc bệnh, trên khắp cơ thể bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt mụn nước, khi ban thủy đậu bị vỡ rất dễ gây lở loét da, ngứa, đau nhức và nếu không được điều trị tích cực và đúng cách có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn trên da gây mất thẩm mỹ [4].

Biến chứng khác

Có thể gặp xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thận, hội chứng thận hư, hội chứng tán huyết do tăng ure máu, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm gan, viêm tụy cấp, viêm tinh hoàn, dị tật cho trẻ sơ sinh khi người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong thời gian thai kỳ [4].

Bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm, cao nhất là vào khoảng tháng 3 và tháng 5, thấp nhất là vào tháng 10 và tháng 11. Ở Việt Nam bệnh thủy đậu thường tập trung nhiều nhất là cuối mùa mưa - đầu mùa khô vào khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi (đối với vắc xin Varilrix) hoặc trẻ từ 12 tháng tuổi (đối với vắc xin Varivax và Varicella) và người lớn, phụ nữ mang thai để chủ động kích thích cơ thể sinh miễn dịch, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh thủy đậu hiệu quả lên đến 90%. Nếu chẳng may mắc bệnh, diễn biến bệnh lý cũng nhẹ hơn rất nhiều, xuất hiện rất ít các phát ban và mụn nước thủy đậu, thời gian hồi phục nhanh chóng và hầu như không xảy ra tình trạng biến chứng nguy hiểm.

Phạm Đô Lê/Khoa Kiểm soát bệnh tật

 

[1]. World  Health  Orgnization  (2014),  Varicalla  and  herpes  zoster  vaccines,  Wkly  Epidemiol Rec.2014; 89(25), pp. 265-287.

[2]. Jaeggi A, Zurbruegg R P and Aebi C (1998). Complications of varicella in a defined central European population. Arch Dis Child. 79: 472-477.

[3]. Werner JDO and Georges MGMV (2015), Pathogenesis of Varicelloviruses in primates. Journal of Pathology, 235(2), pp. 298

[4]. Nguyễn Duy Hưng (2008). Bệnh thủy đậu và bệnh zona. Nhà xuất bản Y học.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi