HOTLINE

LAO PHỔI

1. Lao phổi là gì?

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên tại phổi của bệnh nhân. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn lao có tên khoa học Mycobacterium tuberculosis, lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ và lây cho người tiếp xúc gần. Bệnh có khả năng lây lan mạnh trong thời gian chưa điều trị.

2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc lao phổi?

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn mắc lao phổi:

  • Người suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, ung thư, điều trị hóa chất, dùng thuốc ức chế miễn dịch (corticoid)
  • Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, nhất là trẻ em < 5 tuổi
  • Người mắc các bệnh mãn tính: đái tháo đường, suy thận mạn
  • Người nghiện chất: ma túy, rượu, thuốc lá

3. Bệnh lao phổi biểu hiện như thế nào?

  Các triệu chứng lao phổi điển hình bao gồm:

  • Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu)
  • Đau ngực
  • Chán ăn, gầy sút cân
  • Đổ mồ hôi trộn về đêm
  • Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều

Chẩn đoán lao phổi:

  • Dựa trên lâm sàng: nghi ngờ nhiễm lao phổi trên các bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với người bệnh có AFB đờm dương tính, có tình trạng suy giảm miễn dịch, ho kéo dài, ho máu, sốt về chiều, sút cân, đổ mồ hôi trộn ..
  • Chụp xquang phổi có giá trị định hướng chẩn đoán lao
  • Chẩn đoán vi sinh: nhuộm soi đờm (AFB), cấy đờm tìm vi khuẩn lao, kỹ thuật sinh học phân tử (PCR, Gen Xpert)
  • Các xét nghiệm miễn dịch: phản ứng Mantoux, xét nghiệm QuantiFERON-TB

4. Điều trị lao phổi như thế nào?

Hiện nay phương pháp điều trị lao phổi phổ biến là sử dụng kết hợp kháng sinh tối thiểu 6 tháng, chia làm 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn tấn công (kéo dài 2 tháng): thường kết hợp 4 loại thuốc
  • Giai đoạn duy trì (sau giai đoạn tấn công, kéo dài 4-6 tháng): thường sử dụng 2 loai thuốc

Việc không tuân thủ điều trị có nguy cơ dẫn đến vi khuẩn lao kháng thuốc, khiến cho việc điều trị lao phổi khó khăn hơn rất nhiều.

Trong quá trình điều trị cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc lao: tổn thương gan thậm chí suy gan cấp, thận, mù màu, giảm bạch cầu, tiểu cầu, tăng axit uric máu …

5. Tiên lượng lao phổi như thế nào?

Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, phần lớn bệnh nhân lao đều khỏi bệnh mà không bị biến chứng. Bệnh nhân lao phổi nhập viện muộn trong tình trạng suy hô hấp, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 65,6 – 74%.

Biến chứng của lao phổi:

  • Biến chứng nặng: ho máu, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp
  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi
  • Xơ phổi, nấm phổi

Nguồn: Ths.BS Trần Văn Bắc - benhnhietdoi.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi