Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại [1]. Theo ghi nhận, tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh dại gần như là 100%. Tức là không có bất kỳ trường hợp nào sống sót nếu khởi phát bệnh dại. Và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh. Hoàn toàn không quá khi nói bệnh dại là một bệnh chỉ có thể dự phòng.
Bệnh Dại lây truyền như thế nào?
Virus dại không chỉ lây nhiễm cho những vật nuôi trong gia đình như chó, mèo... Nước bọt của bất kỳ loài thú có vú nào nhiễm virus dại đều có thể chứa virus dại và lây nhiễm cho con người. Ở Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó chiếm 96-97%, sau đó là mèo 3- 4%, những động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.
Thời kỳ ủ bệnh
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển ở lớp mô trong cùng bên dưới da người (được gọi là mô dưới da), hoặc từ cơ bắp, vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể nằm ngoài não hoặc tủy sống). Virus di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não với tốc độ ước tính 12 - 24 mm mỗi ngày.
Sau khi bị động vật nhiễm virus dại cắn, người bệnh sẽ rơi vào thời kỳ ủ bệnh. Tức là giai đoạn cơ thể không có triệu chứng sau khi tiếp xúc với virus. Thời gian này trung bình từ 20 – 60 ngày, tuy nhiên đã có ghi nhận trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài nhiều năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
Giai đoạn bùng phát
Biểu hiện khi mắc bệnh dại có 2 loại: thể hung dữ và thể bại liệt
- Thể hung dữ
Triệu chứng rầm rộ và tử vong nhanh chóng:
+ Sợ nước, sợ âm thanh, dễ bị kích động.
+ Co thắt cơ, co thắt hầu họng, co giật toàn thân.
+ Ảo giác, mất định hướng…
+ Cuối cùng sẽ dẫn đến hôn mê, ngưng tim ngưng thở và tử vong.
- Thể liệt
+ Bệnh nhân liệt tiến triển, dần ra toàn thân.
+ Bí tiểu tiện, đại tiện…
+ Liệt các cơ hô hấp, cuối cùng cũng dẫn đến tử vong. Thể bại liệt có thời gian tiến triển tới tử vong chậm hơn thể hung dữ.
Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.
Có nên tiêm vắc xin phòng bệnh Dại?
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là bắt buộc, nếu bị động vật (đặc biệt là chó, mèo) nghi nhiễm virus dại cắn. Tuy nhiên, tình trạng vết cắn cần được đánh giá bởi bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Dựa vào tính chất, đặc điểm và vị trí của vết thương là rất quan trọng để chọn lựa phương pháp can thiệp.
Một yếu tố khác quan trọng không kém là theo dõi con vật đã cắn người. Thông thường là theo dõi con vật khỏe mạnh trong vòng10 ngày. Nếu trong thời gian theo dõi, con vật chết, biến mất hoặc có hành vi bất thường (dễ bịch kích động, tiết nhiều nước bọt/sùi bọt mép, cắn khi không bị trêu chọc, chạy mà không có lí do rõ ràng,…) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn.
Khoa Kiểm soát bệnh tật