HOTLINE

Tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em là vi rút thường gặp

Theo kết quả xét nghiệm, tác nhân gây viêm hô hấp cấp từ các bệnh nhi, vẫn là các loại vi rút thường gặp. Tình trạng gia tăng số ca bệnh trong những tháng gần đây là hiện tượng theo chu kỳ hàng năm.

Hệ thống giám sát dịch bệnh của Thành phố, trong những tháng gần đây đã ghi nhận tình trạng gia tăng số ca mắc viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em. Đây là nhóm bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, diễn tiến theo mùa, thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm. Số liệu ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy, bệnh nhi bị viêm hô hấp cấp điều trị ngoại trú, nội trú và tử vong đều thấp hơn cùng kỳ so với các năm trước dịch COVID-19. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, mặc dù số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong những tháng cuối năm 2023, nhưng hệ thống giám sát chưa ghi nhận các ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học. Điều này phù hợp với độ tuổi mắc bệnh đợt này chủ yếu ở trẻ nhỏ.

Được biết, chiều  ngày 20/11/2023, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức cuộc họp chuyên gia giữa 03 bệnh viện nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để đánh giá nguyên nhân của hiện tượng tăng số ca mắc viêm hô hấp cấp ở trẻ em.

Kết quả xét nghiệm của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ các mẫu bệnh phẩm thu nhận từ các bệnh viện nhi của TPHCM cho thấy họ Enterovirus và Human Rhinovirus là các tác nhân gây bệnh chiếm ưu thế; kế đến là các virus cúm (influenza) và á cúm (parainfluenza), virus hô hấp hợp bào (RSV)... Đây là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em trong nhiều năm qua.

Tại cuộc họp, các chuyên gia về bệnh hô hấp trẻ em nhận định các vi rút này đều là những tác nhân phổ biến gây bênh viêm hô hấp, đã được ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới. Phần lớn ca bệnh đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Các chuyên gia cũng lưu ý, các bệnh cảnh viêm phổi thường gặp trên người bệnh có ít nhất 1 bệnh lý nền như: tim bẩm sinh, bại não, xuất huyết não, teo đường mật, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn tính, bệnh lupus đỏ hệ thống, suy dinh dưỡng…

Nguồn: Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh

HY – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (lược trích)

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi