HOTLINE

Tiêm vắc xin là biện pháp duy nhất để cứu sống người đã phơi nhiễm với vi rút Dại

Bệnh Dại do vi rút gây ra, là một trong những nguy hiểm nhất vì khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả nhưng trong vòng 10 năm qua, ước tính mỗi năm tại Việt Nam vẫn có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh Dại. Để không bị tử vong do bệnh dại, khi bị chó mèo cắn hãy nhanh chóng xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế.

Ảnh minh họa: Đến ngay cơ sở y tế khi bị chó mèo cắn (nguồn: internet)

Tỉ lệ tử vong do bệnh Dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Ở nước ta, tính từ năm 2011 đến nay thì đã có gần 1.000 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại 54/63 tỉnh, thành phố trong đó 97% do chó và 3% do mèo. Mỗi năm trung bình vẫn có hơn 500.000 người bị phơi nhiễm. Nếu chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022 thì đã có hơn 367.000 người bị phơi nhiễm và đã có 43 ca tử vong ở 17 tỉnh/thành phố. Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh Dại.

Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Phương Thúy - Khoa Kiểm Soát & Phòng Ngừa Bệnh Tật, Viện Pasteur TP.HCM, bệnh Dại là bệnh tử vong 100% nhưng có thể phòng ngừa được. Nếu bị súc vật cắn thì phải xử lý sớm vết cắn bằng cách rửa thật sạch với nước và xà phòng cùng các chất sát trùng khác. Sau đó đưa người bị cắn lập tức đi khám tại các cơ sở y tế. Người bị cắn sẽ được khám và chỉ định tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại theo đúng hướng dẫn. Đây là biện pháp duy nhất cứu sống người đã phơi nhiễm với vi rút Dại. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị.

Vi rút Dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu cho thấy nó đang bị bệnh Dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh Dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Vi rút Dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh Trung ương, phá hủy hệ thần kinh khiến bệnh nhân lên cơn dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người thì chắc chắn đều dẫn đến tử vong. Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng biện pháp tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Khi bị động vật (chó, mèo…) cắn, cần nhớ xử lý vết thương tại chỗ và đưa người bị cắn nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí phù hợp. Khi xử lý vết thương tại chỗ cần lưu ý: đầu tiên xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc cồn i ốt để làm giảm lượng vi rút có thể xâm nhập vào. Chú ý khi rửa không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn; tránh băng kín vết thương.

Sau khi xử lý vết thương, hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất. Việc dùng vắc xin dại hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại sẽ được chỉ định tuỳ theo tình trạng động vật, vết cắn, tình hình bệnh dại ở địa phương. Cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị.

Hiện nay đa số người dân đều hiểu về các biện pháp phòng chống bệnh dại trên người và động vật, nhưng vẫn còn một số người chủ quan với suy nghĩ “chắc con chó đó không bị bệnh” hoặc sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng mà không tới các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, để không bị tử vong do bệnh Dại thì khi bị chó mèo cắn hãy nhanh chóng xử lý vết thương và đến ngay cơ sở y tế.

Ngoài ra, để phòng chống bệnh Dại hiệu quả, bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn thì người dân cần có ý thức quản lý đàn chó, mèo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Thêm vào đó, trẻ em cần được hướng dẫn cách hạn chế bị động vật cắn và trẻ phải báo ngay cho người lớn nếu bị chó mèo cắn.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) có tiếp nhận tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.

Nguồn: Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương.

HY – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (tổng hợp)

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi