Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nếu chẳng may trở thành F0 thì người lao động cần lưu ý những điều gì?
1. Được bỏ cách ly với F0 cách ly tại nhà đủ 7 ngày và xét nghiệm âm tính
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 250/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19" ngày 28/01/2022, F0 điều trị tại nhà được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày (thay vì 10 ngày như trước) và có kết quả test nhanh âm tính.
Theo đó, Bộ Y tế bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Cụ thể, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà:
- Cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
2. F0 đã tiêm đủ mũi cơ bản được tiêm mũi vắc xin bổ sung sau khi khỏi bệnh
Theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vắc xin COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại, hướng dẫn tiêm liều bổ sung vắc xin COVID-19 (mũi 3) như sau:
- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm:
+ Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...;
+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V (Đối tượng mới bổ sung).
- Loại vắc xin: cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.
- Khoảng cách: Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Theo Quyết định 5785/QĐ-BYT ngày 21/12/2021 Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu không trì hoãn tiêm vắc xin đối với người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Như vậy, đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản thì thời gian tiêm mũi 3 bổ sung từ 28 ngày đến 3 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản.
Trường hợp F0 đã khỏi bệnh thì có thể tiêm mũi 3 ngay nếu tính từ thời điểm tiêm mũi 2 đã đủ 28 ngày.
Trường hợp người bị F0 chưa thực hiện tiêm đủ mũi cơ bản thì tiếp tục tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
3. 03 chế độ mà người F0 điều trị tại nhà có thể được hưởng
3.1 Chế độ ốm đau khi nghỉ điều trị Covid-19
Căn cứ vào Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị mắc Covid-19 có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.
- Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 được hưởng 60 ngày.
+ Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc… được hưởng: đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 được hưởng 70 ngày.
3.2 F0 trước ngày 01/3/2022 là thành viên công đoàn được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng
Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định, đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau:
- Các F0 có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng.
- F0 điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, các cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 01/3/2022, công đoàn dừng hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Quyết định 4292/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022.
Từ thời điểm trên, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (kể cả F0 tử vong) được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định: số 4290/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở, số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn.
Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị nhiễm Covid-19 trước ngày 01/3/2022 theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.
3.3 F0 có thể nghỉ dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19
Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục, họ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 đến 10 ngày trong một năm theo quy định tại Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Tuy nhiên, người lao động chỉ được hưởng khoản tiền này nếu F0 điều trị từ 30 ngày trở lên trong năm (Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày.
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/39696/nhung-dieu-nld-phai-biet-khi-tro-thanh-f0