Hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca bệnh COVID-19 đang gia tăng trở lại. Theo tổ chức y tế thế giới cho biết số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới tăng và cảnh báo có nguy cơ có thể trải qua làn sóng dịch mới, khi nồng độ kháng thể sau tiêm chủng giảm theo thời gian cần phải tiêm nhắc lại là rất quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự ổn định lâu dài khi mầm bệnh vẫn còn hiện diện trong cộng đồng.
Để có thể tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng và hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc mới hoặc tái nhiễm COVID-19 có thể chuyển nặng, tử vong, tạo môi trường an toàn khi trẻ đi học trở lại, đề nghị Quý phụ huynh, người thân, gia đình hãy đưa trẻ từ 5 tuổi đến 18 tuổi tiêm đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn.
Nhằm giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Trung tâm y tế xin chia sẻ đến quý phụ huynh một số câu hỏi và giải thích ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm phòng như sau:
1. Lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em?
Khi trẻ được tiêm vắc xin phòng phòng COVID-19, nếu nhiễm COVID-19 thì biểu hiện bệnh sẽ nhẹ và ít biến chứng. Việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm đối những người sống cùng gia đình, những người xung quanh đặc biệt là những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ngoài ra, khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.
Theo các chuyên gia, thông tin từ Bộ, ngành y tế vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi là an toàn, không có tác dụng phụ nào đáng kể ngoài những dấu hiệu hay gặp khi tiêm các loại vắc xin khác.
Vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em không chỉ là giải pháp an toàn bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của virus mà còn giúp những người thân trong gia đình an tâm hơn. Đặc biệt là những gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi (đối tượng chưa được tiêm), người cao tuổi và những người mắc một số bệnh lý nền. Góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em, giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học.
2. Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có an toàn không?
Vắc xin phòng COVID-19 đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Y tế cấp phép và được sử dụng ở nhiều quốc gia. Vắc xin được đánh giá là an toàn cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Chất lượng vắc xin được kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, việc kiểm nghiệm vắc xin tại các nước phát triển rất nghiêm ngặt, từ chất lượng đến an toàn và hiệu quả. Các vắc xin được nghiên cứu từ trong phòng thí nghiệm, đến nghiên cứu trên động vật, sau đó trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, họ tiếp tục theo dõi chất lượng vắc xin.
"Riêng đối với vắc xin Pfizer và Moderna, các quốc gia phát triển đã sử dụng tiêm cho nhiều đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5-11 tuổi. Bất kỳ phản ứng bất thường nào của vắc xin xảy ra sau tiêm đều được nhà sản xuất và các tổ chức quốc tế thông báo và khuyến cáo".
Trong quá trình vận chuyển về Việt Nam, vắc xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất bằng các thiết bị chuyên dụng, sau đó, vắc xin được chuyển về Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế để đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Khi đó, vắc xin mới được đưa đến các điểm tiêm chủng theo hệ thống của Chương trình tiêm chủng mở rộng.
3. Lịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi
4. Vắc xin phòng COVID-19 được sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khác gì so với vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên?
Vắc xin Pfizer Comirnaty sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg bằng 1/3 hàm lượng so với liều vắc xin sử dụng của người từ 12 tuổi trở lên.
Vắc xin Moderna sử dụng cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng 50mcg bằng 1/2 liều cơ bản sử dụng cho người lớn.
Lưu ý: KHÔNG sử dụng vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
5. Trẻ mới tiêm vắc-xin khác, khi nào tiêm vắc-xin phòng COVID-19?
Theo khuyến cáo mới nhất của CDC Hoa Kỳ là có thể tiêm cùng thời điểm và tiêm ở các vị trí khác nhau. Không trì hoãn tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho những trẻ trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác cho dù mới tiêm dưới 14 ngày. Tuy nhiên, trẻ có thể tiêm vắc-xin khác mà không chờ đến 14 ngày sau nếu việc tiêm vắc-xin khác là rất cần thiết.
6. Trẻ có thể tiêm 2 mũi với 2 loại vắc xin khác nhau được không?
KHÔNG. Chỉ được sử dụng một loại vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 tr
7. Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có những chống chỉ định, khi nào cần trì hoãn việc tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Chống chỉ định khi trẻ có tiền sử rõ ràng về phản ứng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin. Ngoài ra, còn có các chống chỉ định khác theo công bố của nhà sản xuất.
Trẻ được trì hoãn tiêm khi: (1) Có bằng chứng mắc COVID-19. Trường hợp này trì hoãn 3 tháng kể từ ngày khởi phát; (2) Có hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), trẻ sẽ hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn; (3) Trẻ đang có bệnh cấp tính, hoặc mạn tính tiến triển hay có các vấn đề khác cần trì hoãn. Tình trạng này sẽ trì hoãn đến khi sức khỏe của trẻ ổn định.
8. Những trường hợp nào cần thận trọng khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ?
Những trường hợp trẻ sẽ được khám sàng lọc kỹ và thận trọng bao gồm: Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi (ví dụ tâm lý đám đông, hội chứng áo choàng trắng…)
9. Những trường hợp nào trẻ sẽ được khám sàng lọc và tiêm tại bệnh viện?
Những trường hợp trẻ sẽ được chuyển tiêm tại bệnh viện bao gồm: Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào.
10. Phụ huynh cần làm gì trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm
Phụ huynh lưu ý cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm, mặc áo ngắn tay. Sau khi tiêm trẻ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút. Phụ huynh cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các dấu hiệu: Kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở (khi hoạt động bình thường, khi nằm), sốt cao khó hạ nhiệt độ (hoặc kéo dài hơn 24h), vân tím trên da, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.
Lưu ý: Tác dụng phụ của vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em sẽ xuất hiện dưới 2 cấp độ là nhẹ và trung bình trong vòng một vài ngày sau tiêm. Thông thường, đây chỉ là những biểu hiện cho thấy cơ thể đang hình thành “rào chắn” và hệ miễn dịch cũng đang hoàn thành nhiệm vụ vốn có của mình. Ba mẹ không nên quá lo lắng, sợ hãi, thậm chí là suy nghĩ không cho con tiêm mũi vắc xin tiếp theo.
Cho trẻ được tiêm chủng: Giải pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ trước COVID-19
Bs. Trần Đình Khâm – Khoa KSBT