Molnupiravir được chỉ định cho những bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và có yếu tố nguy cơ nhập viện cao (không bao gồm phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em).
Ngày 03/03/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật hướng dẫn điều trị COVID-19, trong đó đưa vào khuyến nghị sử dụng có điều kiện thuốc kháng vi rút Molnupiravir. Khuyến nghị này của WHO được dựa trên dữ liệu mới từ 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 4796 bệnh nhân tham gia cho thấy ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đến trung bình, molnupiravir có thể làm giảm thời gian nhập viện, giảm thời gian triệu chứng của bệnh và có thể làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, tác hại tiềm ẩn về lâu dài của molnupiravir như sự kháng thuốc và nguy cơ đột biến vẫn chưa chắc chắn và là một vấn đề cần quan tâm.
Theo khuyến nghị, việc điều trị bằng molnupiravir được thực hiện cho những bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình và có yếu tố nguy cơ nhập viện cao bao gồm người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, người già, người bị suy giảm miễn dịch và / hoặc có các bệnh mãn tính (ví dụ: bệnh tiểu đường). Liều khuyến cáo cho molnupiravir là uống 800 mg mỗi 12 giờ mỗi ngày trong 5 ngày. Nên dùng thuốc càng sớm càng tốt trong thời gian mắc bệnh hoặc dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.
WHO khuyến cáo không dùng molnupiravir cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú hoặc trẻ em dưới 18 tuổi. Trong trường hợp nghi ngờ có thai, nên thử thai trước khi bắt đầu điều trị. Nếu một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được xem xét điều trị, nên được tư vấn về biện pháp ngừa thai trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều molnupiravir cuối cùng. Bên cạnh đó, nam giới trong độ tuổi sinh sản nên được tư vấn để sử dụng biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều molnupiravir cuối cùng. Mặc khác, nguy cơ dài hạn không xác định của việc nhiễm độc gen ở những bệnh nhân trẻ tuổi có thể cao hơn so với bệnh nhân lớn tuổi, do đó nên hạn chế việc sử dụng thuốc ở những người trẻ tuổi không có nguy cơ cao.
Thủy Tiên - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (lược dịch)
Nguồn:
https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-therapeutics-2022.2