HOTLINE

NÓNG: BỘ Y TẾ HỌP KHẨN SAU KHI WHO TUYÊN BỐ ĐẬU MÙA KHỈ LÀ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Y TẾ TOÀN CẦU

Theo Hãng tin AFP, ngày 23-7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu - mức báo động cao nhất mà cơ quan này có thể phát đi. Đây là lần thứ 7 tổ chức này công tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, kể từ năm 2009. Trước đó đậu mùa khỉ đã có 6 tình trạng: đại dịch cúm H1N1 (06/2009), Bại liệt trẻ em (05/2014), Ebola Tây Phi (08/2014), Bệnh do virus Zika (02/2016), Dịch Ebola Congo (07/2019), COVID-19 (30/01/2020)

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả bệnh đậu mùa khỉ là một mối đe dọa sức khỏe đang ngày càng gia tăng. Ông kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường giám sát, truy vết, xét nghiệm và đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao được tiếp cận với vắc xin và thuốc kháng virus.

Kể từ đầu tháng 5 năm 2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ các quốc gia không lưu hành bệnh (Châu Âu và Bắc Mỹ), và tiếp tục được báo cáo ở một số quốc gia lưu hành bệnh (Tây, Trung Phi). Đây là lần đầu tiên nhiều trường hợp và cụm bệnh đậu khỉ được báo cáo đồng thời ở các quốc gia không có bệnh dịch và các quốc gia có bệnh dịch ở các khu vực địa lý khác nhau rộng rãi. Tính đến ngày 21/7/2022, đã ghi nhận 15.328 ca bệnh trên 74 quốc gia, trong đó có 5 ca tử vong.

Trước tình hình này, ngày 24/7/2022, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với các Viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam về ứng phó đậu mùa khỉ.

Trước nguy cơ đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và lây lan, Cục Y tế Dự phòng cho rằng hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là giám sát người đến từ các nước có dịch, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn virus bùng phát.

Một số thông tin về đậu mùa khỉ tại Việt Nam

Tình hình dịch bệnh:

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng, cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ song có nguy cơ cao bệnh xâm nhập. Lý do là các quốc gia lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,… đã ghi nhận các ca đậu mùa khỉ. Đặc biệt Campuchia đã ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào ngày 23/7.

Mức độ lây nhiễm:

Về phương thức lây truyền căn bệnh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định đậu mùa khỉ khó lây, chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp, giọt bắn lớn; không lây qua không khí như nCoV.

Xét nghiệm chẩn đoán:

Hiện Việt Nam chưa có sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ. Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết đang phối hợp các viện; đề nghị WHO, CDC hỗ trợ sinh phẩm cũng như quy trình xét nghiệm.

Vắc xin:

Thế giới hiện chỉ có hai loại vắc xin được Mỹ cấp phép sử dụng, đều là Vắc xin virus sống. Vắc xin có lộ trình hai liều, tiêm cách nhau 4 tuần, dành cho người trên 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo không tiêm đại trà vắc xin này, chỉ dùng cho nhóm nguy cơ cao. Hiện nay Việt Nam không dự trữ loại vắc xin này, do đó các chuyên gia đề nghị WHO hỗ trợ.

Điều trị:

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết cơ quan này đã soạn thảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, sẽ họp thông qua trong tuần tới. Theo nghiên cứu của cơ quan này, đa số trường hợp mắc đậu mùa khỉ có biểu hiện nhẹ, một số ca tăng nặng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não.

BS.Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên (P.TTGDSK) – Tổng hợp

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi