HOTLINE

Sởi: Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gặp ở cả người lớn

Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 42 tuổi mắc sởi trên nền bệnh lý suy thận mạn và tăng huyết áp không kiểm soát. Nhờ được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Sởi có bị ở người lớn không?

Nhiều người thắc mắc, sởi có bị ở người lớn không? Câu trả lời là có. Như trường hợp của bệnh nhân nam 42 tuổi nêu trên ban đầu chỉ có các dấu hiệu về đường hô hấp như: ho, đau họng và sốt. Khi nhập viện các bác sĩ chỉ dùng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên sau 3 ngày, bệnh nhân sốt cao và kèm theo suy hô hấp, thở nhanh. Người bệnh cũng xuất hiện các phát ban sẩn đỏ ở vùng mặt. Lúc này các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc sởi và cho vào cách ly để làm xét nghiệm chẩn đoán sởi. Người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh để phòng viêm phổi nặng đồng thời được cung cấp thêm oxy. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp nâng cao miễn dịch, sau 3 ngày người bệnh không sốt và không phải thở oxy, các ban sởi bắt đầu lặn dần. Trong trường hợp người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến những tình trạng suy hô hấp, tụt oxy vô cùng nguy hiểm gây hôn mê, mất oxy não chỉ trong thời gian ngắn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nam 42 tuổi mắc sởi trên nền bệnh suy thận mạn.

Khi trẻ sinh ra và được tiêm phòng sởi, cơ thể có thể sản sinh ra đủ kháng thể để bảo vệ bạn đến suốt đời. Tuy nhiên ở một số cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền có nguy cơ dễ bị mắc sởi hơn. Sởi ở người lớn cũng có những biểu hiện giống sởi ở trẻ em. Ban đầu người bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng viêm long đường hô hấp như ho, hắt hơi, sốt, đau rát họng, loét miệng họng… và sau đó phát ban. Tuy nhiên sởi ở người lớn biểu hiện phát ban có thể khác với sởi ở trẻ em, ban có thể xuất hiện không theo thứ tự từ trên mặt xuống thân người thay vào đó có thể xuất hiện ở thân mình. Tính chất của ban cũng không giống với đặc thù của sởi.

Nếu ở người suy giảm miễn dịch, sởi có thể gây viêm đường hô hấp mạnh và bệnh tiến triển nhanh đi vào phổi, gây suy hô hấp thậm chí tử vong. Một số trường hợp có thể gây biến chứng ở não dẫn đến viêm não. Bên cạnh đó có thể gây viêm thanh quản, biến chứng tiêu hóa gây tiêu chảy, mất nước.

Sởi có lây không?

Sởi có lây không? Bệnh sởi là bệnh có thể lây do vậy với những trường hợp sởi nhẹ có thể chăm sóc tại nhà nhưng cần cách ly người bệnh. Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường như: sốt cao liên tục, hôn mê, ho có đờm, tức ngực, khó thở, tiêu chảy mất nước nhiều… cần tái khám ngay để xem có chỉ định nhập viện theo dõi.

Một trường hợp trẻ em mắc sởi biến chứng nặng phải nhập viện điều trị.

Bị sởi rồi có bị lại không?

Bệnh nhân bị sởi cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể và tồn tại cả đời nhưng vẫn có những trường hợp mắc rồi vẫn mắc lại. Với trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu ý tiêm phòng theo đúng lịch. Khi có dịch sởi diễn ra trong cộng đồng, nếu có các biểu hiện nghi ngờ sởi nên thăm khám ngay để không ảnh hưởng đến việc điều trị.

Bị sởi tắm lá gì? Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc trị sởi, chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng: viêm phổi có vi khuẩn kèm theo kháng sinh. Do vậy việc dùng các loại thuốc lá, thuốc gia truyền để điều trị sởi là không có cơ sở. Thậm chí có những trường hợp bệnh nhân có vết thương ngoài da sau khi đắp thuốc lá khiến vi khuẩn từ lá xâm nhập vào vết thương làm vết thương loét nặng hơn, nhiễm trùng máu.

Khi mắc sởi người bệnh vẫn tắm được và nên tắm nước ấm, tắm phòng kín để hạn chế việc cảm lạnh hoặc nhiễm thêm các virus khác.

Theo suckhoedoisong.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi