HOTLINE

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ lây do liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Trên địa bàn quận Tân Bình, ghi nhận rải rác các ca bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2024 và tăng dần trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tuần 19 năm 2024 (từ ngày 5/5/2024 đến ngày 11/5/2024) đã ghi nhận 16 ca bệnh, tăng 128,6% so với số ca bệnh của trung bình 4 tuần gần nhất (7 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2024, đã ghi nhận 87 ca bệnh, tăng 141,7% so với cùng kỳ năm 2023 (36 ca).

Dịch bệnh tay chân miệng trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Trung tâm Y tế quận Tân Bình khuyến cáo người dân và cộng đồng cần nắm vững các thông tin dưới dây để có hướng phòng ngừa và xử trí kịp thời.

Virus tay chân miệng lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa, các chất tiết từ mũi miệng, phân của trẻ bệnh. Để ngừa tay chân miệng, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch:

- Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy là biện pháp phòng bệnh rất quan trọng khi ở trong đợt dịch. Đặc biệt, cha mẹ cũng cần rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, tốt nhất là ngâm tráng nước sôi.

- Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, ngậm vú giả. Cắt móng tay và chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn.

- Rửa sạch đồ chơi, sàn nhà, khăn mặt bằng xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng xà bông ((sữa tắm không đủ khả năng diệt khuẩn).

- Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ bệnh khác hoặc người nghi ngờ mắc tay chân miệng.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nguy cơ lây lan mạnh nhất là trong tuần đầu tiên sau khi nhiễm bệnh. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung, hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng lúc trẻ hắt hơi, ho. Vì vậy ở lớp học, trẻ nhiễm bệnh dễ dàng lây lan cho nhiều bạn khác. Nếu nhiễm thì nên cách ly ở nhà, không tới trường trong vòng 10-14 ngày đầu.

Virus tay chân miệng tồn tại 3-6 ngày trong cơ thể trẻ trước khi gây ra những triệu chứng đầu tiên. Sau khi khỏi bệnh, virus vẫn tồn tại trong đường hô hấp của bé 1-3 tuần, trong phân vài tuần đến vài tháng. Vì vậy, ngay cả khi khỏi bệnh, mẹ vẫn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé, tránh để bé tiếp xúc nhiều với trẻ khỏe mạnh làm dịch bệnh lây lan và nghiêm trọng hơn.

Phạm Đô Lê/Khoa Kiểm soát bệnh tật

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi