Trong tuần 12 của năm 2024, toàn Thành phố ghi nhận 118 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 1/3 so với trung bình số ca mắc của 4 tuần trước. Tổng số ca mắc tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến hết tuần 12/2024 là 1.620 ca. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của bệnh và các biện pháp phòng tránh bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có thời gian ủ bệnh (là giữa thời gian bị nhiễm và khởi phát triệu chứng) thường từ 3-7 ngày.
Khi mắc bệnh, triệu chứng ban đầu ở trẻ có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Trẻ cảm giác khó chịu và xuất hiện tình trạng biếng ăn. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, vết loét gây đau và mụn nước sẽ xuất hiện trong miệng hoặc họng, hoặc cả hai.
Mụn nước có khả năng xuất hiện ở tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má và đôi khi ở mông (ở mông thường do tiêu chảy gây ra). Mụn nước ít khi gây ngứa ở trẻ em, nhưng có thể gây ngứa dữ dội ở người lớn. Vết loét và mụn nước thường tự khỏi trong một tuần hoặc lâu hơn.
Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và chỉ gây sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu vết loét miệng hoặc tình trạng đau họng làm cho trẻ không uống nước được hoặc khi các dấu hiệu và triệu chứng ở trẻ chuyển biến xấu hơn sau vài ngày [1].
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Trần Thùy Dương/ Khoa Kiểm soát bệnh tật
[1]. https://bvbnd.vn/dau-hieu-nhan-biet-som-tre-mac-benh-tay-chan-mieng