HOTLINE

PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC

Tình từ ngày 01/04/2024 đến ngày 07/04/2024 (tuần 14), tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 184 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 51,1% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 14 là 1.968 ca [1]. Riêng tại quận Tân Bình, tính đến hết tuần 14/2024 đã ghi nhận 43 ca bệnh tay chân miệng, tăng 187,6% so với cùng kỳ năm 2023 và chủ yếu ở nhóm tuổi từ 12 tháng tuổi đến dưới 60 tháng tuổi.

Dự báo trong thời gian tới, ca bệnh sẽ còn xuất hiện và diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như sau:

Công tác quản lý trẻ

- Hướng dẫn phụ huynh chủ động theo dõi sức khỏe cho trẻ ở nhà; nếu có biểu hiện sốt, phát ban, rối loạn tiêu hóa và các dấu hiệu nghi ngờ Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác) thì chủ động cho trẻ nghỉ học, thông báo cho nhà trường, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

- Khi đón trẻ tại cơ sở giáo dục:

Ban Giám hiệu bố trí người đón và giao trẻ tại cổng vào. Hạn chế phụ huynh hoặc người khác ra vào cơ sở giáo dục. Trường hợp người đón trẻ phát hiện trẻ nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác), lập tức:

a) Thông báo với gia đình để đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị;

b) Ghi nhận (vào Sổ theo dõi sức khỏe) và thông báo cho Trạm Y tế phường để giám sát và xử lý ca bệnh kịp thời.

- Trong suốt quá trình trẻ học tại cơ sở giáo dục đến khi trẻ ra về: Thường xuyên theo dõi sức khoẻ của trẻ. Nếu phát hiện trẻ nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng (hoặc các bệnh truyền nhiễm khác) thì thông báo với gia đình và ghi nhận vào Sổ theo dõi sức khỏe, đồng thời thông báo cho Trạm Y tế phường.

Vệ sinh khi trẻ ở cơ sở giáo dục

Trong thời gian trẻ ở tại cơ sở giáo dục, Ban Giám hiệu, cô nuôi dậy trẻ/thầy cô giáo, người lao động cần thực hiện các biện pháp “3 SẠCH”: Bàn tay sạch – Ăn sạch - Ở sạch:

Ngoài ra còn thực hiện các biện pháp khác như:

- Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Phối hợp với y tế địa phương triển khai tập huấn đầy đủ cho giáo viên, người lao động của nhà trường về kiến thức và các biện pháp phòng, chống Tay chân miệng.

Khi cơ sở giáo dục phát hiện có ca bệnh/ Ổ dịch tay chân miệng

- Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các mụn bóng nước.

- Sử dụng hóa chất có Clo hoạt tính (Cloramin B, nước Javen …) để lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tường nhà.

- Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học. Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên, trước khi ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh …

- Thông báo ngay với Trạm Y tế khi tiếp tục phát hiện ca bệnh trong cơ sở giáo dục.

Phạm Đô Lê/Khoa Kiểm soát bệnh tật

[1]. https://hcdc.vn/tinh-hinh-dich-benh-sot-xuat-huyet-va-tay-chan-mieng-tai-tp-ho-chi-minh-tinh-den-tuan-142024-lU1Ojp.html

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi