HOTLINE

NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 2022: “THUỐC LÁ: MỐI ĐE DỌA ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG CỦA CHÚNG TA”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chiến dịch toàn cầu nhân Ngày Thế giới Không Thuốc lá năm 2022 với chủ đề: "Thuốc lá: Mối đe dọa đối với môi trường của chúng ta". Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động môi trường liên quan đến thuốc lá. Thông qua chủ đề này sẽ cung cấp cho người sử dụng thuốc lá thêm một lý do để bỏ thuốc lá. Chiến dịch cũng nhằm mục đích phơi bày những nỗ lực của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc “rửa sạch” danh tiếng của mình bằng cách tiếp thị bản thân là thân thiện với môi trường. Nhưng trên thực tế, với mức đóng góp khí nhà kính hàng năm tương đương 84 triệu tấn carbon dioxide (CO2), ngành công nghiệp thuốc lá đã góp phần vào biến đổi khí hậu, làm giảm khả năng chống chịu với khí hậu, lãng phí tài nguyên và gây tổn hại đến hệ sinh thái. Bên cạnh đó, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá hủy để trồng thuốc lá mỗi năm. Việc trồng thuốc lá này đã góp phần vào nạn phá rừng, thúc đẩy sự suy thoái đất và dẫn đến khả năng đất không thể hỗ trợ sự phát triển của bất kỳ loại cây trồng hoặc thảm thực vật nào khác. “Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm và các hệ sinh thái mong manh của hành tinh chúng ta. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với các nước đang phát triển, vì đó là nơi diễn ra hầu hết việc sản xuất thuốc lá ”. Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc Xúc tiến Y tế cho biết, “Mỗi điếu thuốc bạn hút, nghĩa là bạn đang đốt cháy tài nguyên nơi chúng vốn đã khan hiếm, đốt cháy tài nguyên nơi chúng ta phụ thuộc vào.” Gánh nặng về môi trường rơi vào các quốc gia ít có khả năng đối phó nhất. Trong khi lợi nhuận được tạo ra cho các quốc gia có thu nhập cao hơn bởi các công ty thuốc lá xuyên quốc gia có trụ sở tại đó. Với khoảng 90% tổng sản lượng thuốc lá tập trung ở các nước đang phát triển, thuốc lá có tác động vô cùng đồng đều đến các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhiều nông dân và quan chức chính phủ coi thuốc lá là cây trồng kiếm tiền có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lợi ích ngắn hạn trước mắt của cây trồng này gây ra những hậu quả lâu dài của tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng, nợ nần kéo dài thường xuyên của nông dân, bệnh tật, nghèo đói trong công nhân nông nghiệp và thiệt hại môi trường lan rộng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ngành công nghiệp thuốc lá cũng đã đầu tư rất nhiều để “rửa sạch” các hành vi gây hại đến môi trường bằng cách báo cáo tác động môi trường và tài trợ cho các dự án, tổ chức về môi trường. Việc che mắt của họ chỉ có thể hoạt động do thiếu dữ liệu khách quan cũng như các chế tài không nhất quán ở cấp quốc tế và địa phương. Giảm tiêu thụ thuốc lá cần được xác định là đòn bẩy chính không chỉ ở những mục tiêu liên quan trực tiếp đến sức khỏe mà còn để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững khác. Chiến dịch kêu gọi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách tăng cường luật pháp, bao gồm thực hiện và củng cố các kế hoạch hiện có để khiến các nhà sản xuất chịu trách nhiệm về chi phí môi trường và kinh tế của chất thải từ việc sản xuất thuốc lá. Tải file PDF tại đây. Ngọc Hà, Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguồn: https://www.who.int/news/item/13-12-2021-protect-the-environment-world-no-tobacco-day-2022-will-give-you-one-more-reason-to-quit

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi