Báo cáo của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy, trong mười năm qua, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành ở Việt Nam giảm chậm, năm 2021 là 20,8%, riêng nhóm nam giới trưởng thành là 41,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Trong khi tỷ lệ hút thuốc truyền thống giảm chậm thì lại ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử trong giới trẻ. Nếu như năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5%. Theo kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13-17 là 8,1%.
Tỷ lệ hút thuốc lá mới đang tăng nhanh trong giới trẻ.
Theo công bố nghiên cứu "Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới" TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) cảnh báo Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng đặc biệt là trong giới trẻ.
Nghiên cứu cũng cho thấy tác hại của thuốc lá mới đối với xã hội đáng quan ngại, thiết kế của các sản phẩm thuốc lá điện tử và các hình thức quảng bá hấp dẫn, dẫn dắt thế hệ người sử dụng nicotine mới, đặc biệt là thanh thiếu niên và nữ giới. "Nguy cơ thuốc lá mới góp phần tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội...", TS Nguyễn Khánh Phương cảnh báo.
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đa phần sử dụng muối nicotine nồng độ cao, dễ được hấp thu, giảm kích ứng họng và dễ đưa được hàm lượng nicotine cao vào một sản phẩm kích cỡ nhỏ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, thuốc lá điện tử có tới gần 20.000 loại hương vị khác nhau được sử dụng làm tăng tính hấp dẫn, tăng nguy cơ mất an toàn. Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống như thuốc thuốc lá, thành phần chất ô nhiễm, kim loại chì, bạc, thủy ngân... gây ảnh hưởng toàn bộ cơ thể.
Trong đó, thuốc lá điện tử làm suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn; tăng nguy cơ mất các bệnh tim mạch, rối loạn chức năng mạch máu, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim… Thậm chí, làm tổn thương DNA gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu. Đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng tâm sinh lý giới trẻ, tăng nguy cơ stress và giảm sự ổn định tâm lý.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại về việc người dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng thời gian qua, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên. Thuốc lá mới mặc dù chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam nhưng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này đã có sự gia tăng nhanh trong thời gian qua. Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Các bệnh viện đã ghi nhận các tình trạng nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy,…
Theo kết quả nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, ước tính Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc lá chủ động và 18.800 ca tử vong do hút thuốc thụ động; thiệt hại kinh tế do hút thuốc lá, gồm chi phí khám chữa bệnh và tổn thất năng suất lao động là khoảng 108,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,14% GDP.
|
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về tác hại của thuốc lá mới.
|
Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, Bộ Y tế đã có đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sẽ là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nguồn: Nhandan.vn