HÀ NỘI - Nhiều mẫu mã thuốc lá điện tử "núp bóng" đồ chơi, thực phẩm, hấp dẫn học sinh, "đánh lừa" phụ huynh, được bán tràn lan trên thị trường.
Thấy con trai 15 tuổi cầm một đồ vật hình thù ngộ nghĩnh, chị Hằng, 42 tuổi, ở Cầu giấy, nghĩ con chơi Lego thư giãn sau giờ học nên không để ý. Một lần, dọn dẹp bàn của cậu bé, chị sốc khi phát hiện đồ vật hình Lego thực chất là thuốc lá điện tử, có hương thơm lôi cuốn.
Mẹ gặng hỏi, con trai thừa nhận được bạn bè rủ rê mua thuốc lá điện tử hút khoảng vài tuần nay, giá 100.000 đồng một sản phẩm. "Con tò mò nên hút thử cho biết", con của chị Hằng giải thích.
Tương tự, chị Ân, ở Hoàng Mai, cũng hoảng hốt khi phát hiện trong balo của con có đồ vật hình hộp sữa, mùi thơm hấp dẫn, thực chất là thuốc lá điện tử. Vỏ ngoài sản phẩm dán nhãn "Milk", "Energy Drink", tức là sữa hay thức uống năng lượng.
"Ngôn từ và hình dáng sản phẩm đều dành cho trẻ em như một thức uống lành mạnh nhưng là thuốc lá điện tử trá hình", chị Ân nói, thêm rằng nhiều người lớn, trong đó có giáo viên, cũng không phát hiện được đây là thuốc lá.
Đồ vật hình lego nhưng thực chất là thuốc lá điện tử. Ảnh: Hạnh Nguyên
Hiện nay, ngành công nghiệp thuốc lá nhắm đến giới trẻ bằng cách thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói dạng kẹo, sữa, đồ chơi, nhiều hương vị, giá rẻ... Đơn cử, sản phẩm thuốc lá điện tử hình hộp sữa giá 145.000 đồng cho 7.000 lần hút. Những sản phẩm có số lần hút thấp hơn giá khoảng 30.000-80.000 đồng.
Thuốc lá điện tử được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Một báo cáo của Bộ Y tế về rà soát tin tức thuốc lá và phòng chống tác hại thuốc lá trên các kênh truyền thông Internet tại Việt Nam, cho thấy trong vòng ba tháng (7-9/2019), có hơn 61.000 tin, bài đăng liên quan đến thuốc lá điện tử. Trong đó 99% tin bài được đăng trên Facebook, nội dung thông tin chủ yếu là mua bán, quảng cáo, review kinh nghiệm sử dụng.
Những lời quảng cáo như "giảm hại", "sử dụng tinh dầu chuẩn", "hàng nhập khẩu" với giá rẻ bất ngờ đã thu hút sự quan tâm và sử dụng của giới trẻ. Các sản phẩm này không chỉ được bán tại nhiều cửa hàng chuyên bán thuốc lá điện tử, mà còn ở quán tạp hóa, quán trà đá, trước cổng trường. Từ đó, học sinh dễ dàng tiếp cận và mua sử dụng.
Thuốc lá điện tử núp bóng dưới hình dạng hộp sữa. Ảnh: Hạnh Nguyên
Vài năm gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, cụ thể trong nhóm 13-15 tuổi, tăng nhanh cả nam và nữ. Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng công bố kết quả nghiên cứu năm 2022 cho thấy 3,5% học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử, so với tỷ lệ ba năm trước là 2,6%. Tỷ lệ học sinh từng thử thuốc lá điện tử là 7,8%.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, nguy cơ bị trộn cả chất ma túy. Người hút dễ phơi nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh. Ngoài ra người dùng còn có nguy cơ bị chấn thương do cháy nổ pin.
Thuốc lá điện tử rất hấp dẫn với trẻ em và vị thành niên, tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá. "Rất nhiều loại sản phẩm với đặc tính thiết kế khác nhau, dễ bị can thiệp thay đổi bởi người dùng và đặc biệt nguy cơ trộn lẫn ma túy", ông Lâm nói.
Thuốc lá điện tử được bày bán cửa hàng tạp hóa, trà đá. Ảnh: Hạnh Nguyên
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mới đây Trung tâm xét nghiệm dung dịch trong thuốc lá điện tử, lần đầu tiên phát hiện vitamin E acetate - chất gây bệnh EVALI làm tổn thương phổi. Vitamin E acetate là dung dịch lỏng, quánh, được trộn với tetrahydrocannabinol (THC) làm dung dịch trong thuốc lá điện tử. Khi vitamin bị nung nóng trong thuốc lá điện tử sẽ tạo thành khí ketene độc, gây bệnh Tổn thương phổi cấp liên quan thuốc lá điện tử (e-cigarette or vaping, product use associated lung injury - EVALI).
"Đây là một bệnh lý mới chưa có phác đồ điều trị chính thức, gây tổn thương phổi mạn tính", bác sĩ Nguyên nói, thêm rằng hiện chưa phát hiện ca bệnh EVALI tại Việt Nam. Các bệnh viện đã được Bạch Mai cảnh báo để sàng lọc chẩn đoán, xét nghiệm kỹ hơn khi có bệnh nhân ngộ độc do hút thuốc lá điện tử.
Các chuyên gia nhận định, hiện tại, chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó sẽ rất khả thi khi ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Lê Nga - Báo vnexpress.net