HOTLINE

Thuốc lá điện tử “ngụy trang” bút viết, son môi tấn công học sinh

PNO - T.Đ. - học sinh lớp Mười của một trường THPT tại quận 3, TPHCM - đang hút thuốc lá điện tử trong một quán cà phê gần trường. Khi chúng tôi hỏi, em cho biết mình đã hút thuốc lá điện tử từ lớp Tám, do bạn bè rủ rê. Ban đầu, em tò mò nên cũng thử cho vui. Tuy nhiên, khi được hỏi nếu 1, 2 ngày không hút có được không, thì Đ. lắc đầu, bởi không có thì thấy thiếu thiếu và buồn ngủ.

Học sinh dễ dàng tiếp cận

Đ. kể rằng, sau khi biết hút thuốc lá điện tử (TLĐT), nhóm bạn của em cũng đã tiếp cận shisha, cần sa, với mục đích giảm căng thẳng, mệt mỏi, nhất là giai đoạn thi cử. Ngoài ra, Đ. cho biết nếu cần mua TLĐT, tinh dầu hay các chất khác, chỉ cần liên hệ với một học sinh học khối trên là có. Nếu ngại, các em tự tìm trên mạng, rồi hẹn người bán địa điểm để nhận hàng, hay tìm mua ở các “mối quen” gần trường. “Trường em nhiều bạn hút lắm, hút ở công viên, học nhóm, quán cà phê. Ba mẹ em có nghi ngờ, từng hỏi, em chỉ cười rồi đi chỗ khác” - Đ. cho hay. 

Theo hướng dẫn của Đ., chúng tôi vào trang T.L.Đ.T…, hàng loạt mẫu mã TLĐT được rao bán với giá từ hơn 90.000 đồng đến 800.000 đồng/sản phẩm với slogan thu hút “mạnh mẽ - thời trang - đẳng cấp”. Chỉ cần người có nhu cầu để lại bình luận, ngay lập tức chủ tài khoản sẽ nhắn tin mời chào. Người bán hàng thường tiếp cận người mua bằng cách gửi các mẫu có giá từ cao đến thấp, kèm theo một loạt khuyến mãi như tặng tinh dầu, bảo hành, với lời cam đoan TLĐT không gây nghiện, không độc hại, giúp người hút giảm căng thẳng, mệt mỏi… 

Thử gọi vào số điện thoại 087799…, khi nghe chúng tôi cho biết là học sinh, sử dụng TLĐT lần đầu, nam thanh niên bán hàng nói: “Em không phải lo, hút chơi mà. Nếu sợ cô giáo biết, em mua loại son môi đi. Còn mùi thì lấy mùi dâu, mùi táo, hoặc bạc hà, sô cô la. Khi mẹ hỏi, chỉ cần nói mới uống nước ngọt, ăn kẹo nên có mùi. Anh bán hàng có tâm, tinh dầu đều nhập khẩu ở nước ngoài, chiết xuất tự nhiên không có hóa chất độc hại gì đâu”.

Thống kê của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, số lượng thiếu niên từ 13-15 tuổi sử dụng TLĐT gia tăng: năm 2019 có 2,6% thiếu niên hút TLĐT, năm 2022, tỉ lệ đó là 3,5%. Thậm chí có em tiếp xúc TLĐT ngay từ lứa tuổi tiểu học, nhiều nhất là học sinh từ lớp Năm đến lớp Tám. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), TLĐT và thuốc lá thông thường đều có chứa nicotine, chất tạo khói, chất tạo mùi. TLĐT chạy bằng pin, trong tinh dầu có chứa đến hơn 15.000 loại hương liệu độc hại.

Nhiều tác hại

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trịnh Văn Hiệp - nguyên Thường trực Ban chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Sở Y tế TPHCM) - cho biết: “Chất diacetyl dùng tạo mùi trong TLĐT làm tăng nặng bệnh phổi, ung thư, đột quỵ, co thắt mạch máu… Một số bạn trẻ để chứng tỏ bản lĩnh còn nuốt khói, thi rít hơi dài gây ngộ độc cấp thời. Chưa kể đến tình huống để làm tăng sự kích thích, sảng khoái, một số người bán có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa, hay một số chất gây nghiện khác…”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - trẻ em, đặc biệt là học sinh cấp II, III gần đây sử dụng TLĐT khá nhiều. Thành phần nicotine là chất kích thích, làm hệ thần kinh hưng phấn tức thời nhưng tác động lâu dài làm cho trẻ kém tập trung, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, học lực xuống thấp, chán nản bỏ bê học hành… 

Việc TLĐT được ngụy trang dưới hình thức đồ chơi, dụng cụ học tập, son môi… rất dễ tiếp cận trẻ, “che mắt” cha mẹ, thầy cô. Đáng lo ngại, trẻ con chưa ý thức hết sự nguy hiểm của TLĐT, chỉ muốn thử hoặc hút vì bạn bè thách thức. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm, theo dõi, trò chuyện để trẻ hiểu rõ tác hại, từ đó tự giác bỏ TLĐT. Nếu cần thiết, cha mẹ có thể đưa trẻ đến bác sĩ nhi, bác sĩ gia đình để hỗ trợ trẻ.

Trường hợp nghi ngờ con mình đang hút TLĐT, cha mẹ có thể để ý đến đồ dùng, đồ chơi hoặc vật dụng mà con thường mang theo bên mình, khả năng những đồ vật này là TLĐT. Một biểu hiện khác là trẻ hay đi vào nơi riêng tư vào một số khung giờ nhất định, người trẻ có mùi do khói bám vào, trẻ dễ bị kích thích khi được hỏi đến. 

Nhà trường, thầy cô cần có các chương trình phổ biến kiến thức phòng tránh, tuyên truyền về tác hại khi sử dụng chất gây nghiện, thuốc lá, TLĐT, tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, giải tỏa căng thẳng cho học sinh. Thầy cô cũng có thể phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để thông tin kịp thời về tình trạng sử dụng TLĐT cũng như tình trạng chúng được ngụy trang là bút viết, bình sữa, son môi… len lỏi vào trường học. 

Phạm An - Nguồn phunuonline.vn

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi