Nhân kỷ niệm Ngày chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế 08/5, phát động Tháng nhân đạo năm 2022, vào lúc 9g ngày 07/5/2022, Trạm y tế phường 15 phối hợp với Hội chữ thập đỏ phường 15 tổ chức truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá và sức khỏe hậu Covid-19 cho 38 hội viên Hội chữ thập đỏ tại Ủy ban nhân dân phường 15.
Ông Lê Văn Phước/ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 15 ôn lại truyền thống Ngày chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế 08/5
Ông Huỳnh Anh Phong/ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 15 phát động Tháng nhân đạo năm 2022
Bà Huỳnh Thị Thanh Trúc/ Phó Bí thư phường 15 và các mạnh thường quân phường 15 trao quà cho các gia đình khó khăn
Tại buổi truyền thông, Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên/ Phòng Truyền thông Giáo dục sức khỏe – Trung tâm y tế quận Tân Bình khuyến cáo: hậu COVID-19 người bệnh còn đối diện nhiều vấn đề về sức khỏe cho nên cần phải sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý để phục hồi dần các chức năng cơ thể. Bởi vì, COVID-19 gây tổn thương không chỉ ở phổi mà còn nhiều cơ quan khác. Mặc dù hầu hết những người mắc COVID-19 trở nên khỏe hơn chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, tuy vậy, có một số người lại gặp phải các tình trạng hậu COVID-19. Các bệnh sau khi mắc COVID-19 có thể được biết đến như: sốt nhẹ, khó thở nhẹ hoặc hụt hơi, mệt mỏi hay chóng mặt, ho, đau đầu, tức ngực, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, có thể đau cơ, khớp. Hoặc có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác. Ở da có thể thấy hiện tượng phát ban. Về thần kinh có thể xuất hiện rối loạn giấc ngủ hoặc khó tập trung tư tưởng, hoặc thay đổi tâm trạng….
Sau khi bị bệnh COVID-19, người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm (nếu có thể), tập dưỡng sinh…). Cần chú ý tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày). Bên cạnh đó cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp cho điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên - Phòng Truyền thông-Giáo dục sức khỏe truyền thông sức khỏe hậu Covid-19
Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên đặt câu hỏi cho người tham dự
Tiếp tục, Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên chia sẻ: khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy v.v. Ngoài ra hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em. Do đó, đề nghị các ban ngành đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông cộng đồng về tác hại của thuốc lá...
Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên/ Phòng Truyền thông Giáo dục sức khỏe truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá
CNĐD. Vũ Hoàng Dung – TYT P.15