HOTLINE

QUẬN TÂN BÌNH, TẬP HUẤN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Diễn tiến bệnh Tay chân miệng (TCM) tại thành phố HCM đến tuần 22/2023, số ca TCM gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, tổng số ca bệnh (nội & ngoại trú): 1972 ca; tuần 22 tăng 133% so với 4 tuần trước đó và đã ghi nhận kiểu gen B5 của Enterovirus 71 ở các bệnh nhi mắc bệnh có triệu chứng nặng. Ngoài ra, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 03 trường hợp tử vong. Trước tình hình trên, công tác chủ động thực hiện các biện pháp để kiếm soát dịch bệnh TCM là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chiều ngày 08 tháng 06 năm 2023, Trung tâm y tế Quận Tân Bình đã phối hợp với Phòng Y tế tổ chức buổi tập huấn phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế cho hơn 80 nhân viên y tế của Trung tâm y tế, Trạm y tế và Phòng khám tư nhân trên địa bàn quận.

Bs.CKII Nguyễn Minh Tiến – Báo cáo viên tại buổi tập huấn

Đến tham dự và báo cáo trong buổi tập huấn là Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Tại buổi tập huấn, Bác sĩ Minh Tiến đã hướng dẫn các nội dung về chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng, cập nhật cơ chế bệnh, hướng dẫn phát hiện sớm và tư vấn chăm sóc trẻ bệnh TCM tại nhà. Ngoài ra người tham dự còn được hướng dẫn điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch TCM tại cộng đồng; Hướng dẫn hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh TCM.

Nhân viên y tế tham gia thảo luận tại buổi tập huấn

Bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Số ca mắc tay chân miệng hiện đang có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, và xuất hiện virus Enterovirus (EV71), có khả năng gây thành dịch và biến chứng nhiều hơn so với các tác nhân khác, nó có thể tấn công vào não bộ gây ảnh hưởng tới thần kinh, hô hấp, tim mạch và có thể dẫn đến tử vong nhanh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc mỗi người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết. Thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch. Trong đó, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày là biện pháp đơn giản để phòng bệnh hiệu quả.

Ảnh lưu niệm kết thúc buổi tập huấn

Thông qua buổi tập huấn, các thành viên tham dự đã tiếp thu được nhiều nội dung quan trọng để từ đó áp dụng thực hiện theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành để đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng được hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe trẻ em và tránh việc quá tải các bệnh viện lớn.

Phòng Dân số - Truyền thông và giáo dục sức khỏe

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi