HOTLINE

TP.HCM: Tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang

Thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 50-70 trường hợp khám do bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra. Viêm da do tiếp xúc do kiến ba khoang nếu xử trí ban đầu không đúng cách sẽ khiến lan rộng vết thương, khiến bệnh nặng thêm.

Kiến ba khoang thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn, xâm nhập vào nhà sau đó đậu vào quần áo, giường chiếu, chăn màn. Quá trình sinh hoạt, người dân vô tình tiếp xúc, chất độc trong cơ thể kiến ba khoang nhả ra gây nên viêm, loét da.
Bản chất kiến ba khoang là con vật hiền lành, chúng không cắn hoặc đốt chích người. Mặc dù là con vật hiền lành, tuy nhiên do cơ chế phòng thủ sinh học để chống lại các kẻ thù khác mà bên trong cơ thể kiến có chứa chất Pederin, một loại chất độc gây rộp, phỏng da. Chất Pederin không được kiến chủ động tiết ra mà nó chỉ tồn tại trong cơ thể kiến. Khi cơ thể chúng bị nghiền nát, chất này mới được giải phóng ra môi trường. Chất Pederin dính vào vùng da con người, nhất là vùng da non, vùng da nhạy cảm như: vùng mặt, cổ, cánh tay, bắp chân…thì các vùng da chỗ này sẽ bị phồng rộp, bỏng, đau rát.
Một vài trường hợp khi bị dính Pederin sẽ gây viêm da, và nếu không chăm sóc tốt vết thương thì có thể gây nhiễm trùng và tình trạng vết thương trở nặng hơn. Nhìn sơ, hình dạng vết thương rất giống với vết phồng rộp do bệnh Zona (giời leo). Vì vậy, khi thấy cơ thể xuất hiện các vết phòng rộp trên da cần nhanh chóng đên các cơ sở y tế để nhân viên y tế chuẩn đoán và có giải pháp xử lý thích hợp.
Nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, người dân cần chú ý những điều sau:
 - Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).
- Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.
- Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài để tránh thu hút kiến ba khoang.
- Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.
- Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.
- Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.
- Khi kiến ba khoang rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của kiến dính vào da.
- Khi phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang cần nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxit kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.
Tài liệu tham khảo:
https://www.bvdl.org.vn/cong-dong/d-10475.0.2102/benh-ngoai-da//nhieu-truong-hop-benh-nhan-bi-viem-da-tiep-xuc-do-kien-ba-khoang.html
https://hcdc.vn/cac-bien-phap-phong-tranh-kien-ba-khoang-24e90d13474c46057ff1a102e82344f6.html

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi