1. Tại sao phải khám sức khỏe trước khi mang thai
Tư vấn và khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đặc biệt là vị thành niên, thanh niên để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi. (Theo Quyết định số 25/QĐ-BYT ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y Tế).
2. Lợi ích của việc khám thai định kỳ trong thai kỳ
- Theo dõi được sự phát triển của thai nhi, cân bằng dinh dưỡng giúp mẹ và bé khỏe mạnh.
- Đảm bảo sức khỏe thai phụ, có xu hướng xử lý kịp thời nếu không đủ sức khỏe mang thai.
- Nếu mang thai ngoài ý muốn, việc phát hiện thai sớm sẽ giúp xử lý an toàn, kịp thời.
- Phát hiện sớm các bất thường như thai ngoài tử cung, các dị tật bẩm sinh, không có tim thai.
3. Lịch khám thai thường quy ở phụ nữ mang thai
- 3 tháng đầu (tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày):
+ Khám thai lần đầu: sau trễ kinh 2-3 tuần.
+ Khám lần 2: lúc thai 11-13 tuần 6 ngày để đo độ mờ da gáy.
- 3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày):
+ Tuần 18-20: khám 1 lần.
+ Tuần 20-28: 4 tuần khám 1 lần.
- 3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuần 40) tái khám:
+ Tuần 29-32: khám 1 lần.
+ Tuần 33-35: 2 tuần khám 1 lần.
+ Tuần 36-40: 1 tuần khám 1 lần.
Lưu ý: Lịch khám thai như trên áp dụng cho các thai kỳ đơn thai không kèm yếu tố nguy cơ. Lịch khám thai sẽ thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể khi có dấu hiệu bất thường (đau bụng, ra nước, ra huyết,…) hoặc khi thai kỳ có kèm theo các yếu tố nguy cơ.
4. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm sớm viêm gan B, giang mai và HIV để dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
- Bên cạnh việc theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, xét nghiệm máu khi mang thai là một kỹ thuật vô cùng quan trọng và cần thiết cho mẹ bầu và thai nhi vì có thể giúp phát hiện sớm các bệnh lý thiếu máu thiết sắt, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS.
- Xét nghiệm virus viêm gan B nhằm xác định thai phụ có bị nhiễm viêm gan B hay không để giảm thiểu khả năng lây truyền dọc từ mẹ sang con ở các thai phụ này, trong đó có tiêm Immunoglobulin và Vắc-xin cho trẻ sơ sinh.
- Xét nghiệm xoắn khuẩn giang mai: Giang mai là bệnh nhiễm trùng hệ thống, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, lây truyền qua máu, lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng là giang mai bẩm sinh. Mắc bệnh giang mai trong thai kỳ gây sẩy thai, sinh non, đa ối, thai lưu và giang mai bẩm sinh. Sự lây truyền từ mẹ sang con thường xảy ra từ tháng thứ 4-5 thai kỳ.
- Xét nghiệm virus HIV: Trong thai kỳ cần thực thi các biện pháp tầm soát các thai phụ bị nhiễm HIV nhằm mục đích triển khai các biện pháp chống lây truyền dọc từ mẹ sang con ở các thai phụ này, trong đó có điều trị với ARVs.
5. Lợi ích của tiêm ngừa uốn ván và lịch tiêm ngừa uốn ván
- Ở bà bầu, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung.
- Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh. Độc tố của uốn ván đi vào máu khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván nếu trong quá trình mang thai mẹ bầu chưa được chủng ngừa bệnh nên không nhận được miễn dịch truyền từ mẹ. Do đó, ở độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ nên tiêm phòng uốn ván để bảo vệ toàn diện cho mẹ và bé, chuẩn bị cho thời điểm chuyển dạ sinh con.
Lịch tiêm phòng uốn ván (VAT) ở phụ nữ mang thai:
- VAT 1: Càng sớm càng tốt.
- VAT 2: Cách VAT 1 tối thiểu 1 tháng và trước sinh 1 tháng.
- VAT 3: ở thai kỳ sau, cách VAT 2 tối thiểu 6 tháng.
- VAT 4: ở thai kỳ sau, cách VAT 3 tối thiểu 1 năm.
- VAT 5: ở thai kỳ sau, cách VAT 4 tối thiểu 1 năm.
- Tiêm phòng VAT 2 mũi cho những thai phụ chưa tiêm ngừa lần nào hoặc từ bé có tiêm chủng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Với những thai phụ đã tiêm đủ 5 mũi VAT, nếu mũi tiêm cuối cùng >10 năm.
6. Sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con
Tại cơ sở y tế, thai phụ được những người có chuyên môn đỡ đẻ và chăm sóc; Có phòng đẻ sạch với dụng cụ đỡ đẻ tiệt trùng, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con; Phát hiện sớm các tai biến và cấp cứu kịp thời; Có sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu khi cần thiết; Được tư vấn về cách chăm sóc mẹ và con và kế hoạch hóa gia đình sau sinh.
7. Chăm sóc mẹ và bé sau sinh:
7.1. Chăm sóc sức khỏe sau sinh thường:
- Dinh dưỡng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, sữa,… nhiều chất xơ tránh táo bón làm ảnh hưởng vết may tầng sinh môn. Không ăn quá mặn, quá cay, không ăn nho khô, kho quẹt. Uống đủ nước (khoảng 2 lít nước mỗi ngày). Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
- Vận động: vận động nhẹ sau sinh 6 giờ, đi lại nhẹ nhàng, không vận động mạnh, tránh ngồi xổm,…
- Nuôi con bằng sữa mẹ: cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh, không thêm bất cứ thức ăn, nước uống nào khác.
- Nghỉ ngơi: ngủ đủ 8 giờ/ngày.
- Vệ sinh vú trước và sau khi cho bé bú.
- Tắm nước ấm. Vệ sinh bộ phận sinh dục rửa sạch, lau khô và thay băng vệ sinh mỗi 4 giờ/ 1 lần hoặc khi băng ướt.
7.2. Chăm sóc sức khỏe sau sinh mổ:
- Vận động, vệ sinh cá nhân: sản phụ nên vận động sớm, đi lại nhẹ nhàng ngay ngày đầu tiên để tránh ứ sản dịch. Thay băng vệ sinh mỗi 4-6 giờ/lần. Giữ vùng tầng sinh môn khô sạch.
- Dinh dưỡng: sản phụ ăn thức ăn nấu chín và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như rau, cá, thit, trứng, sữa, trái cây,… không kiêng khem, không ăn quá mặn.
- Cho con bú ngay sau sinh để giúp tử cung co hồi tốt, phòng ngừa chảy máu sau sanh và trẻ được tận hưởng những lợi ích quý giá từ sữa mẹ.
7.3. Chăm sóc trẻ sau sanh:
- Cho bé nằm cạnh mẹ chú ý giữ ấm cho trẻ.
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, bú theo nhu cầu của trẻ.
- Để rốn khô và sạch, không băng kín hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn.
- Hạn chế sờ vào rốn và các vùng quanh rốn.
- Tắm trẻ bằng nước sạch trong phòng ấm kín gió.
Người viết: BS. Ngô Thu Phương - Khoa CSSKSS
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân (Ban hành kèm theo quyết định số 25/QĐ-BYT ngày 7 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
2. Công văn số 4095/BYT-BM-TE ngày 0/7/2016 về việc hướng dẫn lịch tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai.
3. Phác đồ sản khoa Bệnh viện Hùng Vương.
4. Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế).