HOTLINE

2 lỗi trầm trọng khi vệ sinh thực phẩm, vật dụng ăn uống mà mọi người hay mắc phải

Theo TS Từ Ngữ, thực phẩm và các dụng cụ ăn uống hàng ngày nếu không được vệ sinh đúng cách sẽ trở thành nơi vi khuẩn tích tụ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh tật, còn rửa rau sai cách sẽ dẫn đến tình trạng càng rửa càng độc, thức ăn càng nhiễm bẩn.
 

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm được đánh giá là một trong những vấn đề gây nhức nhối hàng đầu đối với tất cả mọi người, nhất là khi chưa có biện pháp hữu hiệu cụ thể nào được đưa ra nhằm giải quyết triệt để với những tình trạng thực phẩm bẩn, rau củ quả chứa thuốc trừ sâu hay thức ăn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên thị trường. Chưa kể, các thói quen sai lầm được duy trì từ nhiều năm nay khi vệ sinh vật dụng ăn uống như: bát, đũa, thìa,… cũng là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe mà nhiều người vẫn thường xem nhẹ, không để ý tới.

Liên quan tới vấn đề này, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết, công đoạn rửa – sơ chế - nấu nướng và bảo quản rau quả là vô cùng quan trọng trước mỗi bữa ăn. Rửa rau quả là việc làm đơn giản nhưng nếu không biết cách sẽ dẫn đến tình trạng rửa sai cách, khiến càng rửa càng độc, thức ăn càng nhiễm bẩn còn thói quen để thức ăn qua đêm hoặc bày bán cả ngày ở nhiệt độ thường; không được đậy kỹ sẽ làm cho thức ăn bị dính bụi bẩn, tạo điều kiện cho các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm. Lý do là bởi thực phẩm bảo quản không đủ độ lạnh hoặc không đủ độ nóng làm cho vi khuẩn vẫn phát triển… Điều này gây ra rất nhiều tác hại khôn lường, ảnh hưởng tới chính sức khỏe của mọi người.

Cùng với đó, TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cũng cho rằng, nếu các vật dụng ăn uống hàng ngày không được vệ sinh đúng cách sẽ là nơi các loại vi khuẩn tích tụ, có thể khiến cả gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh tật, nhất là các bệnh do virus gây ra qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Theo đó, TS. Từ Ngữ cũng đưa ra hướng dẫn cách vệ sinh vật dụng ăn uống và rửa rau đúng cách, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn để loại bỏ những thói quen gây hại cho sức khỏe, cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và vật dụng ăn uống.

Tham khảo thêm

TS.BS Từ Ngữ: Những người bị bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ và những ai cần tĩnh tâm nên chọn chế độ ăn chay

Ngâm rau trong nước muối hoặc thuốc tím chỉ kéo dài thêm thời gian rửa rau, không có tác dụng diệt giun, sán, chất hóa học

Trước thói quen ngâm rau trong nước muối hoặc thuốc tím với mục đích tiêu diệt giun, sán, chất hóa học của không ít người dân, TS. Từ Ngữ khẳng định, việc làm đó chỉ có tác dụng kéo dài thời gian rửa rau, hoàn toàn vô tác dụng trong việc tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng hay loại bỏ tồn dư chất hóa học trong rau. Chưa kể, thuốc tím thậm chí có thể gây phản tác dụng khi khiến rau thêm độc hại.

"Rửa rau không thể diệt được vi khuẩn. Mục đích của việc rửa rau là để loại bỏ đất, cát, rác, ký sinh trùng và một phần nhỏ thuốc bảo vệ thực vật.", TS. Từ Ngữ nói.

Theo đó, TS. Từ Ngữ lưu ý cách rửa rau đúng cách sẽ được tiến hành như sau:

- Trước khi rửa rau cần nhặt bỏ lá vàng cùng đoạn gốc rễ của rau. Khi rửa rau không nên vò nát sẽ khiến cho các chất dinh dưỡng bị thôi ra ngoài. Đối với các loại rau cải nhặt gốc rửa sạch mới cắt khúc sẽ giữ được chất dinh dưỡng trong rau hơn.

Chuyên gia chia cách rửa rau ra làm 2 loại:

Đối với các loại rau có thể chứa ký sinh trùng: Để không bị nhiễm ký sinh trùng, mọi người không nên ăn rau sống. Nếu có ăn rau sống, phải chọn rau có nguồn gốc. Đồng thời, khi mua rau về cần rửa từng tàu lá dưới vòi nước nhiều lần.

Đối với rau ăn lá: Rau mua về nhặt bỏ lá vàng, lá úng rồi thực hiện rửa trong chậu nước. Tùy theo rau có nhiều đất cát thì nên rửa nhiều lần, tuyệt đối không nên dừng lại ở việc rửa 3 lần.

Khi rau được rửa sạch nên luộc ngay, đồng thời chỉ nên thả rau vào khi nước đã sôi già, làm như vậy rau sẽ không bị mất đi các vitamin và khoáng chất do nhiệt độ cao.

Ngâm bát đũa trong bồn rửa qua đêm, cho nước tẩy rửa trực tiếp vào bát đũa hay không chờ bát đũa khô đã cất, thậm chí cầm một bó đũa và chà xát chúng lại với nhau để vệ sinh đều có thể khiến bát đũa trở thành nơi tích tụ vi khuẩn

Theo BS. TS. Từ Ngữ, vệ sinh vật dụng ăn uống cả trước và sau khi sử dụng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng, trước khi sử dụng nên nhúng qua bát đũa vào nước sôi. Việc làm này chỉ mất vài phút mỗi ngày nhưng có khả năng tiêu diệt được những loại vi khuẩn gây hại lưu lại trong quá trình sử dụng trước đó.

Đồng thời, sau khi sử dụng xong, vệ sinh bát đũa cần được phân loại. Đối với những chén đĩa đựng rau hay cốc uống nước lọc có thể sử dụng nước để rửa sạch. Còn với những chén bát bám nhiều dầu mỡ nên sử dụng bằng hai cách sau: nước rửa chén chuyên dụng hoặc nước vo gạo.

"Sử dụng nước rửa chén chuyên dụng có ưu điểm là tiện lợi và tạo cảm giác sạch sẽ nhanh chóng, nhưng phải đảm bảo tráng qua nước nhiều lần. Vì nếu không rửa sạch, chất tẩy rửa còn sót lại trên bát đĩa, khi sử dụng để đựng đồ ăn, các chất tẩy rửa xâm nhập vào cơ thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa và dẫn đến những triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng…", TS. Từ Ngữ nêu rõ.

Nói thêm về các loại nước rửa chén chuyên dụng có thể giúp vệ sinh bát đũa sạch sẽ tối đa, TS. Từ Ngữ cho biết, nước vo gạo cũng là một cách làm sạch bát đũa rất hiệu quả. Nước vo gạo không chỉ có tác dụng làm sạch phần dầu mỡ bám trên chén bát mà còn giúp khử mùi tanh do thức ăn một cách dễ dàng mà không gây độc hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, sau khi vệ sinh bát đũa, mọi người nên để trong rổ hoặc giá đựng bát cho ráo nước, sau đó mới xếp vào ngăn tủ đựng bát đũa. Không chỉ thê,s để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, mọi người có thể phơi ở ngoài nắng hoặc nếu có điều kiện nên sử dụng một số loại máy hong khô bát đũa chuyên dụng.

Nguồn: https://baomoi.com/

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi