Tết đến, xuân về việc nâng ly rượu, cốc bia chúc nhau những điều tốt đep đã trở thành nét văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên sự lạm dụng đã và đang gây những tác hại khôn lường cho xã hội.
Rượu gây nhiều tác hại trên gan. Viêm gan do rượu là bệnh lý gan bị tổn thương do uống nhiều rượu hay đồ uống có chứa chất cồn trong thời gian dài gây nên.Viêm gan do rượu nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực bệnh có thể phát triển thành xơ gan và nhanh chóng tiến triển tiếp thành ung thư gan, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên rất cao, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người bệnh [1].
Đã từ lâu, rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi,... đặc biệt là khi Tết đến, xuân về. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.
* Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, cần thực hiện các nguyên tắc sau:Đối với cơ sở kinh doanh:
1.Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu [2].
2. Không kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
* Đối với người tiêu dùng [3, 4]:
1. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong;
2. Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày;
3. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân;
4. Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị;
5. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2020 cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng không chỉ để xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông, hạn chế những tai nạn, mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, xã hội về việc làm giảm những tác hại của rượu, bia trong xã hội.
Người trình bày: Ks. Lê Thị Hồng Lý – K. ATTP
Nguồn tham khảo: Ban Quản lý ATTP Tp. HCM
Tài liệu tham khảo:
[1]. Natalia A. Osna, Ph.D., Terrence M. Donohue, Jr., Ph.D., and Kusum K. Kharbanda, Ph.D.. The Alcoholic liver disease: Pathogenesis and current management, Alcohol Res 38(2): 147–161, 2017.
[2]. Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14/09/2017 của Chính Phủ về Kinh doanh rượu. Khoản 1, 2 Điều 3.
[3]. Cục An toàn thực phẩm. Sổ tay hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm tại tuyến y tế cơ sở, Hà Nội, 2012.
[4]. Cục Y tế dự phòng. Ngày Tết hãy thận trọng khi uống rượu bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. http://vncd.gov.vn