HOTLINE

2 phương pháp dinh dưỡng để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường

Cho đến hiện tại, đái tháo đường vẫn là một tình trạng bệnh lý bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn, đặc biệt là các thực phẩm ngọt, nhiều đường. Đã có nhiều công thức giúp bệnh nhân có thể điều chỉnh chế độ ăn của bản thân. Ở đây, hai phương pháp chính sẽ được trình bày với một số lưu ý trong ước lượng phần ăn.

a) Phương pháp Dĩa ăn

Sử dụng một dĩa ăn đường kính khoảng 1 gang tay (khoảng 20 cm). Một bữa ăn sẽ bao gồm:

- 1/2 của dĩa ăn này sẽ là rau củ không chứa tinh bột như bắp cải, cải xoong, măng tay, xà lách, củ cải, cà tím, bông cải xanh, cải thảo, su hào, đậu bắp, dưa chuột, rau chân vịt, bông cải Brussel, đậu xanh.

- 1/4 sẽ là chất đạm như gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hủ.

- 1/4 còn lại sẽ là các thực phẩm chứa tinh bột như khoai tây, cơm, mì, trái cây hoặc một cốc sữa.

- Dùng kèm sẽ là nước lọc.

b) Phương pháp Bàn tay

Phương pháp này ước lượng phần ăn đơn giản dựa trên lòng bàn tay. Cụ thể một bữa ăn như sau:

- Chất xơ (rau, củ) lượng vừa 2 lòng bàn tay.

- Tinh bột hoặc trái cây vừa 1 nắm tay.

- Chất đạm (thịt cá, trứng) vừa 1 lòng bàn tay.

- Chất béo, bơ khoảng 1 ngón tay cái.

- Và 200ml sữa không đường

c) Một số lưu ý

Các loại mỡ giàu axit béo chuỗi dài như mỡ cá và dầu hạt nên được ưu tiên hơn mỡ động vật.

Lượng muối nêm nên giới hạn dưới 2,3 gram/ngày (Nên thông thường không chấm thêm muối, nước tương hay nước mắm khi ăn).

Các loại thảo mộc, dược liệu giúp hạ đường huyết chưa được khuyến cáo cũng như chưa có bằng chứng rõ ràng.

Các loại chất điều vị, tạo vị ngọt có thể thay đường khi nêm nếm thức ăn.

Nên tránh sử dụng các loại nước ngọt, bánh kẹo hoặc các thực phẩm giàu đường.

Nên tập trung vào 3 cử ăn trong ngày, tránh ăn vặt, ăn rải trong ngày, đặc biệt ở những bệnh nhân đang sử dụng thuốc tiêm insulin.



BSCKI. Trần Thị Ngọc Anh - Khoa Nội tiết, BV Nguyễn Tri Phương

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi