HOTLINE

BỆNH UNG THƯ TẠI VIỆT NAM

 Ung thư vẫn luôn là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng, theo đó, Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm có tỷ lệ mắc cao (97,3 – 111,9/100.000 dân).

  

          Bản đồ về tần suất mắc ung thư của các nước và khu vực trên thế giới (WHO, 2020)

          Năm 2020, tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư, tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), trong đó tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối) cho thấy số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã lên đến con số trên 11.000 người (11.292 người), trong đó nam giới là 5.014 và nữ giới là 6.278 [1].

          Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng [2].

          Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư vú là bệnh lý phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Tỉ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi khu vực Đông Nam Á là 41,2/100.000 phụ nữ; Tỷ lệ tử vong là 15/100.000 phụ nữ. Con số này ở Việt Nam lần lượt là 34,2/100.000 nữ giới và tử vong là 13,8/100.000 phụ nữ. Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm. Ở nước ta, bệnh nhân ung thư vú nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%. Thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi cho thấy, tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%.

           Tại Việt Nam, ung thư là một trong các bệnh lý không lây nhiễm, Việt Nam không tách riêng chương trình phòng chống ung thư như nhiều nước mà gộp chung thành chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm và đã được Chính phủ đưa vào Chương trình quốc gia y tế - dân số và Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm tiến tới mục tiêu kiểm soát tình trạng ung thư tại Việt Nam.

                                                                             Khoa Kiểm soát bệnh tật

[1]https://medinet.hochiminhcity.gov.vn/phong-chong-dich-benh/thanh-pho-ho-chi-minh-trien-khai-chien-luoc-phong-chong-ung-thu-truoc-tinh-hinh-c2-67428.aspx

[2]https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tinh-hinh-ung-thu-tai-viet-nam

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi