SKĐS - 3 năm trước khi biết mình mắc ung thư, chị Phượng Nhi (Mê Linh - Hà Nội) đã suy sụp, hụt hẫng. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, các y bác sĩ, rồi thấy những đồng bệnh khác cũng đang kim truyền đầy mình nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ đã tiếp cho chị Nhi nghị lực chiến đấu với bệnh tật...
Câu chuyện của chị Lê Thị Phượng Nhi được chia sẻ tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân" lần thứ 4 nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức.
TS Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và người bệnh tại
chương trình "Câu chuyện mùa xuân" năm thứ 4.
Những chia sẻ từ hành trình vượt qua 'cửa tử' ung thư...
Chị Nhi cho hay chị phát hiện mắc bệnh ung thư máu vào năm 2021. Sau những ngày truyền hóa chất và thải độc chì đến tuần thứ 3 cả 3 dòng chỉ số giảm sâu. Tiểu cầu, bạch cầu thấp là chị xuất huyết khắp chân, miệng lở loét, sốt li bì, cơ thể trở nên rã rời không còn sức sống.
"Trong quá trình điều trị hóa chất, miệng khô đắng, nôn ọe, không ăn được gì nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua, tìm đến các loại ngô, khoai, trái cây... để giúp mình có sức lực vượt qua giai đoạn điều trị. Rồi tất cả những đau đớn, khó khăn đó cũng qua đi. Đến giờ, nhiều lúc tôi không còn nhớ mình là bệnh nhân ung thư. Tôi tập yoga, học thiền, đọc sách... khi rảnh rỗi. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người, hãy cố gắng bình tâm, không đau buồn, lo lắng, lạc quan, vững niềm tin sẽ giúp chúng ta vượt qua bệnh tật"- chị Nhi kể lại.
Được tái sinh, với chị Nhi là một phép màu. "Sự yêu thương, động viên của gia đình, của các y, bác sĩ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sự động viên nhau của mỗi người bệnh trong khoa Máu người lớn đã giúp tôi và nhiều người bệnh đã chiến thắng, quên đi mình là một bệnh nhân"- chị Lê Thị Phượng Nhi chia sẻ.
Chị Lê Thị Phượng Nhi (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ về hành trình vượt qua bệnh ung thư máu
Câu chuyện khác của chàng thanh niên trẻ hiện đang là sinh viên năm thứ 2, Bùi Tiến Mạnh đã đem đến sự ấm áp, niềm tin mãnh liệt vào nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc chiến chống ung thư cho khán phòng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Lớp 9, cậu bé Bùi Tiến Mạnh phát hiện bệnh ung thư máu. "Bố mẹ em giấu bệnh, em rất suy sụp và khóc rất nhiều. Lúc đó, em may mắn đọc được câu chuyện lạc quan của chị Diệu Thuần, thấy câu chuyện của mình rất giống chị ấy, nên em đã nỗ lực để vượt qua. Sau một năm lui bệnh hoàn toàn, em đã đi học trở lại và đã đỗ đại học"- Tiến Mạnh kể.
Hành trình của Mạnh là hành trình của rất nhiều người lớn và bệnh nhi tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hàng chục năm. Mạnh chia sẻ cảm thấy vinh dự, may mắn khi có mặt tại Viện, chia sẻ câu chuyện của bản thân để truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua căn bệnh ung thư máu.
Trái với hình ảnh cậu bé nhỏ gầy, sốt nhiều, xanh xao, hiện giờ Mạnh là chàng trai khỏe mạnh, vừa là sinh viên năm 2, vừa đi làm thêm, vừa tham gia các câu lạc bộ vì bệnh nhân ung thư.
"Ung thư không phải là dấu chấm hết. Dù thấy khó khăn, vất vả trong quá trình điều trị, mọi người hãy cố gắng vượt qua, rồi chúng ta sẽ được đền đáp"- Mạnh động viên các bệnh nhân ung thư đang điều trị.
Là bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp tại Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương, anh Chu Sơn Chung đã có nhiều năm dài để vượt qua bạo bệnh.
TS Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vơi các bệnh nhi tại chương trình.
Cơ hội đầu tiên ghép đồng loài phù hợp hoàn toàn HLA từ em trai bị dập tắt, anh đã nghĩ đến việc ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng. Nhưng cân nặng của anh không đủ giúp anh hoàn thành ca ghép.
Ghép tế bào gốc nửa hòa hợp phức tạp hơn, nhiều nguy cơ biến chứng hơn và là phương pháp còn mới mẻ năm 2015 là cơ hội cuối cùng của anh. Nhưng với niềm tin vào các y, bác sĩ, anh đã sẵn sàng trở thành người đầu tiên ghép nửa hòa hợp. "Dù cơ hội chỉ là 50/50 nhưng tôi vẫn tin mình đã đạt được 51% để giành chiến thắng", anh Chung đặt niềm tin.
Ca ghép xuyên Tết năm 2015 đã giúp anh tái sinh và nghị lực ấy đã giúp anh có thêm nhiều khao khát hơn nữa với cuộc đời và sẵn sàng chinh phục những bước tiến mới trong sự nghiệp.
Ung thư có lẽ không nên được coi là "căn bệnh chết chóc", mà chỉ là "căn bệnh nan y"
TS Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, ngày nay, ung thư là chủ đề về sức khoẻ được cộng đồng bàn luận rất nhiều, ung thư thường gây ra sự sợ hãi, đau buồn, kiệt quệ sức lực và sự lo hãi về cái chết.
"Nhưng ngày nay, thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả. Bởi vậy, ung thư có lẽ không nên được coi là "căn bệnh chết chóc" nữa, mà chỉ là "căn bệnh nan y" cần chữa trị trong một thời gian dài.
Cuốn "Câu chuyện mùa xuân" năm thứ 4 và người bệnh tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang 'thẩm' những câu chuyện truyền cảm hứng từ đồng bệnh.
Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khoẻ ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình. Điều này sẽ góp phần quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình điều trị"- TS Bình nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định: Khi người bệnh, người nhà người bệnh hiểu sâu sắc về điều này, thì chắc chắn rằng, việc điều trị ung thư sẽ dễ dàng hơn, giảm đi rất nhiều gánh nặng tinh thần và tăng thêm cơ hội lui bệnh. Thấu hiểu được những điều cần thiết, giúp cho người bệnh, người nhà người bệnh yên tâm trong quá trình điều trị...
"Câu chuyện mùa xuân" - thông điệp từ chính những người vượt qua cuộc chiến với ung thư
"Câu chuyện mùa xuân" là chương trình được tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ tinh thần, kết nối hoạt động thiện nguyện cho người bệnh và truyền thông giáo dục sức khỏe. Chương trình năm nay mang thông điệp "Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này". Bởi ung thư không phải kết thúc, đó chỉ là khởi đầu của một hành trình sống mới với những trải nghiệm mới. Dù có niềm đau, nỗi buồn nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình.
Với mục đích truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe, chương trình có sự tham dự và tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư huyết học. Chủ đề điều trị ung thư máu luôn nhận được quan tâm và đón nhận trong chương trình. Với những tiến bộ trong điều trị hiện nay, khá nhiều người bệnh ung thư có thể khỏi bệnh hoặc điều trị ổn định và sống lâu dài với chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Không chỉ cung cấp kiến thức hữu ích, "Câu chuyện mùa xuân" còn khơi dậy nguồn cảm hứng từ chính những người đã từng trải qua căn bệnh ung thư máu. Họ "chiến đấu" mạnh mẽ và hạnh phúc đón nhận kết quả đạt lui bệnh hoàn toàn. Sự xuất hiện của họ trong chương trình mang đến tinh thần lạc quan và những câu chuyện tích cực sau nhiều năm cố gắng.
Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại chương trình "Câu chuyện mùa xuân" năm thứ 4.
Tiếp nối 3 ấn phẩm đã phát hành, nhân dịp này, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ra mắt tập san "Câu chuyện mùa xuân" năm thứ 4 dành tặng người bệnh. 10 nhân vật có mặt trong cuốn sách là những người trụ cột gia đình, những bạn thanh niên trẻ mới bước vào cuộc sống và các cháu nhỏ. Họ kể về cách chấp nhận, động lực sống và vượt qua bệnh tật. Qua sự chiêm nghiệm này, người đọc có thể nhận ra ung thư không còn là nỗi sợ hãi mà là bước ngoặt giúp mỗi chiến binh trở nên mạnh mẽ hơn trước thử thách.
Nguồn: suckhoedoisong.vn