HOTLINE

BỆNH BẠCH HẦU: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH PHÒNG, CHỐNG

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng, chống bệnh bạch hầu

         Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra. 

         Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu [1].

 

Triệu chứng của bệnh bạch hầu:

         Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. 

         Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường. 

         Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống; viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim; liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong [2].

         Khi có các biểu hiện bệnh nêu trên thì đến ngay cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị. Đối với trẻ em, cho dù đã tiêm chủng đầy đủ nhưng cần được đưa đến ngay cơ sở y tế nếu có xuất hiện những dấu hiệu nêu trên.

         Các biến chứng của bệnh Bạch hầu

      Viêm cơ tim, tiên lượng xấu, tỷ lệ tử vong rất cao

- Viêm dây thần kinh dẫn đến liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi, cơ hoành.

- Viêm kết mạc mắt.

- Suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp.

Các biện pháp phòng ngừa: 

         - Theo khuyến cáo của Ngành Y tế đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bênh hiệu quả nhất.

         - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

         - Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi.

         - Vệ sinh miệng, mũi, họng hàng ngày.

         - Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học, … đảm bảo thông thoáng.

         - Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

         - Phát hiện, cách ly và đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.

         - Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định của cán bộ y tế.

         Lịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu

         Đầu tiên, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay trong Chương trình TCMR, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. 

         Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh. 

                                                     Trần Thùy Dương/ Khoa Kiểm soát bệnh tật

         1. https://vncdc.gov.vn/benh-bach-hau-nd14501.html

         2. https://dongnaicdc.vn/dau-hieu-nhan-biet-va-bien-phap-phong-benh-bach-hau

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi