Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Lao không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Phát hiện sớm,điều trị lành các
Mặc dù, bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng trên thế giới mỗi ngày vẫn còn hơn 4.100 người tử vong và gần 30.000 người mắc bệnh này. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng.
Việt Nam hàng năm có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Mỗi năm Việt Nam đã phát hiện và điều trị hết bệnh cho trên 100.000 bệnh nhân lao. Hiện nay, cả nước duy trì tỷ lệ khỏi bệnh là trên 90% những trường hợp lao mới phát hiện và 70% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Dữ liệu giám sát gần đây cho thấy tỷ lệ lưu hành bệnh lao kháng thuốc đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị tốt. Chủng vi khuẩn kháng thuốc này lây cho người khác. Do đó, đã phát hiện những người bệnh nhiễm chủng kháng thuốc ngay lần đầu tiên mắc lao.
Tại sao bệnh lao lại là ghánh nặng về kinh tế xã hội?
Bệnh lao chủ yếu là một vấn đề kinh tế xã hội liên quan đến tình trạng hạn chế tiếp cận với dịch vụ thiết yếu chăm sóc sức khỏe, thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe được tổ chức tốt để phát hiện và điều trị bệnh lao. Những hạn chế này làm phức tạp việc kiểm soát dịch bệnh tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện nay, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Nó còn đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
Bệnh lao ảnh hưởng đến bệnh nhân như thế nào?
Bệnh lao có tác động đáng kể và bao trùm đến chất lượng, cuộc sống của bệnh nhân. Nhìn chung, việc điều trị lành bệnh lao đã có tác dụng tích cực trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Với 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động các gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Chi phí gián tiếp lớn nhất của bệnh lao đối với bệnh nhân là thu nhập bị mất do tình trạng bệnh quá nặng không thể làm việc được. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Không có ai được miễn trừ không mắc lao, nhưng người thu nập thấp có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và “đói nghèo” đã khiến họ không đủ điều kiện để tiếp cận việc điều trị chữa lành bệnh hoàn toàn.
Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong hoạt động phòng, chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong tiến trình của chiến lược chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.
Phát hiện sớm và điều trị kịp thời – chìa khóa thành công
Việt Nam cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng chống lao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và khỏi cho tất cả các thể lao để cắt đứt nguồn lây tiến đến chấm dứt bệnh lao. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần nổ lực gấp đôi để nâng cao nhận thức, tôn trọng các cam kết và huy động các nguồn lực cần thiết để giúp đạt được các mục tiêu.
Cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao. Cần phải cấp thiết hành động trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng do bệnh lao. “Đã đến lúc” mọi người cùng chung tay hành động để thực hiện cam kết của các nguyên thủ quốc gia trong Tuyên bố chính trị tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về bệnh Lao năm 2018; hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Report WHO (2020,2021)- (WWW.Who.int)
2. Stop TB Partnership (WWW.stoptb.org)
3. Báo cáo tổng kết CTCL.QG. 2021
BS.CKI.Nguyễn Hoài Minh – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch