HOTLINE

HIV – CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

HIV là gì?

  • HIV (Human Immunodeficiency Virus) là một chủng vi-rút tấn công hệ miễn dịch của con người. Nếu người nhiễm HIV không được điều trị thì có thể gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải – AIDS (Acquired ImmunoDeficiency Syndrome).
  • Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm HIV. Nếu một người nhiễm HIV thì họ sẽ sống cùng HIV suốt đời.
  • Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ khoa học thì HIV có thể được kiểm soát. Người nhiễm HIV nếu được điều trị sẽ có thể sống lâu hơn, sống khỏe hơn và bảo vệ gia đình, bạn tình của họ.

HIV có nguồn gốc đâu?

  • HIV truyền nhiễm từ một loài tinh tinh ở Trung Phi.
  • Chủng vi-rút của tinh tinh (SIV – simian immunodeficiency virus) đã xâm nhập vào những người thợ săn khi săn bắn tinh tinh và tiếp xúc với máu nhiễm vi-rút.
  • Những nghiên cứu cho thấy HIV có lẽ đã chuyển từ tinh tinh sang người trước những năm 1800.
  • Qua nhiều thập kỉ, HIV từ từ lây truyền khắp châu Phi và sau đó là những khu vực khác trên thế giới. HIV được phát hiện ở Hoa Kỳ khoảng giữa đến cuối thập niên 70 của thế kỷ XX.
  • Trường hợp HIV đầu tiên ở nước ta được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tình hình HIV hiện nay tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê đến năm 2019:

  • Ước tính số người đang sống với HIV hiện nay ở Việt Nam là 211.981 người.
  • Trong 10 tháng đầu năm 2019 phát hiện mới 8479 trường hợp nhiễm HIV, tập trung ở độ tuổi từ 16 – 39 tuổi (73,9%).
  • Sự gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ tuổi khiến nhóm này dần sẽ là nhóm nhiễm chính ở Việt Nam.

 

 Nhiễm HIV có những triệu chứng nào?

Một vài người có thể có những triệu chứng giống như cảm cúm trong khoảng 2 – 4 tuần sau khi nhiễm HIV. Những triệu chứng này thường biến mất sau một vài ngày hoặc vài tuần:

  • Sốt
  • Lạnh
  • Phát ban
  • Đổ mồ hôi trộm
  • Đau nhứt cơ
  • Mệt mỏi
  • Sưng hạch lympho
  • Loét miệng.

Tuy nhiên, một số người khác lại không có triệu chứng trong suốt quá trình nhiễm HIV. Xuất hiện những triệu chứng trên không có nghĩa là bạn đã nhiễm HIV, vì rất nhiều bệnh có thể gây ra những triệu chứng này.

Hãy đến cơ sở y tế nếu bạn có những triệu chứng trên và nghĩ bản thân có thể bị phơi nhiễm HIV. Chỉ có xét nghiệm HIV là phương pháp duy nhất để xác định có tình trạng nhiễm HIV hay không.

HIV có bao nhiêu giai đoạn?

Khi người nhiễm HIV không được điều trị, họ thường diễn tiến theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, thuốc điều trị HIV có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa diễn tiến của bệnh. Với việc điều trị tích cực, diễn tiến đến giai đoạn 3 đã giảm rất nhiều so với trước kia.

            Giai đoạn 1: Nhiễm HIV cấp tính

  • Người nhiễm có một lượng lớn vi-rút HIV trong máu.
  • Một vài người có triệu chứng giống như cảm cúm. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với vi-rút.
  • Một số người khác lại không cảm thấy bất kỳ bất thường nào.
  • Nếu bạn có những dấu hiệu giống cảm cúm và cảm thấy mình có nguy cơ phơi nhiễm HIV, hãy tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.
  • Chỉ có xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể hoặc acid nucleic có thể phát hiện nhiễm vi-rút cấp tính.

            Giai đoạn 2: Nhiễm HIV mạn tính

  • Giai đoạn này còn được gọi là nhiễm HIV không triệu chứng hoặc tiềm tàng.
  • HIV vẫn tiếp tục hoạt động nhưng phân chia ở mức độ rất ít.
  • Người nhiễm HIV không hề có bất kì triệu chứng nào trong giai đoạn này.
  • Với những người không điều trị, giai đoạn này có thể kéo dài cả thập kỷ hoặc hơn, tuy nhiên ở một số khác sẽ tiến triển nhanh hơn.
  • Người nhiễm có thể lây truyền HIV trong giai đoạn này.
  • Cuối giai đoạn 2, lượng vi-rút HIV trong máu (tải lượng vi-rút) gia tăng và lượng bạch cầu T CD4 giảm sút. Người nhiễm có thể có triệu chứng khi tải lượng HIV tăng lên và sẽ chuyển sang giai đoạn 3.
  • Những người được điều trị bằng thuốc HIV sẽ không chuyển sang giai đoạn 3.

            Giai đoạn 3: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS)

  • Đây là giai đoạn trầm trọng nhất khi nhiễm HIV.
  • Người mắc AIDS sẽ bị suy giảm miễn dịch nặng nề, điều đó dẫn tới việc họ bị bệnh nhiều hơn (nhiễm trùng cơ hội).
  • Người nhiễm HIV sẽ chuyển sang AIDS khi lượng bạch cầu TCD4 giảm dưới 200 tế bào/mm máu, hoặc họ mắc phải những bệnh nhiễm trùng cơ hội.
  • Những người mắc AIDS có tải lượng HIV rất cao và cực kỳ dễ lây nhiễm cho người khác.
  • Nếu không được điều trị, bệnh nhân AIDS thường chỉ sống được khoảng 3 năm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Topic HIV – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.
  2. Báo cáo số 45/BC-BYT của Bộ Y tế về “Kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020”.

 

Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên – P.TTGDSK [Tổng hợp]

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi