HOTLINE

HIV – CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN

HIV lây truyền như thế nào?

Phần lớn người nhiễm HIV thông qua quan hệ tình dục (hậu môn hoặc âm đạo), hoặc dùng chung kim tiêm, xy lanh hoặc những dụng cụ tiêm chích ma túy khác.

            Tôi có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục đường hậu môn không?

  • Bạn có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục đường hậu môn với người nhiễm HIV nếu không sử dụng những biện pháp bảo vệ (bao cao su hoặc thuốc điều trị hoặc thuốc dự phòng HIV).
  • Quan hệ tình dục đường hậu môn là đường truyền HIV có nguy cơ cao nhất.
  • Người nhận trong quan hệ tình dục (receptive partner/bottom) có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với người cho (insertive partner/top). Bởi vì thành trực tràng mỏng và HIV có thể xâm nhập qua đó trong suốt quá trình quan hệ.
  • Người cho (top) vẫn có nguy cơ nhiễm HIV vì vi rút có thể xâm nhập cơ thể thông qua lỗ sáo (lỗ đầu dương vật), bao quy đầu (nếu không được cắt bao quy đầu) hoặc những vết trầy xướt, loét trên dương vật.

 

Tôi có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo không?

  • Bạn có thể bị nhiễm HIV khi quan hệ tình dục đường âm đạo với người nhiễm HIV nếu không sử dụng những biện pháp bảo vệ (bao cao su hoặc thuốc điều trị hoặc thuốc dự phòng HIV).
  • Quan hệ tình dục đường âm đạo có ít nguy cơ nhiễm HIV hơn so với quan hệ tình dục đường hậu môn.
  • Bạn tình có thể nhiễm HIV trong suốt quá trình quan hệ tình dục đường âm đạo.
  • Phần lớn phụ nữ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo. HIV có thể xâm nhập vào cơ thể phụ nữ khi quan hệ tình dục đường âm đạo qua niêm mạc âm đạo và cổ tử cung.
  • Nam giới cũng có thể nhiễm HIV khi quan hệ tình dục đường âm đạo. Bởi vì dịch âm đạo và máu có thể chứa HIV. Nam giới nhiễm HIV qua niệu đạo, bao quy đầu (nếu không cắt bao quy đầu), hay những vết xướt, loét ở bất kỳ vị trí nào trên dương vật.

 

            HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con không?

  • HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong suốt quá trình mang thai, sinh con và cho con bú. Tuy nhiên, điều này ít phổ biến hơn vì đã có biện pháp dự phòng và điều trị HIV.
  • Điều này được gọi là lây truyền chu sinh hoặc lây truyền từ mẹ sang con.
  • Đây là đường lây truyền phổ biến nhất ở trẻ nhiễm HIV.
  • Tất cả phụ nữ có thai đều được khuyến cáo xét nghiệm HIV và bắt đầu điều trị ngay lập tức nếu nhiễm để hạn chế nguy cơ trẻ sinh ra nhiễm HIV.
  • Nếu người mẹ nhiễm HIV sử dụng thuốc được kê đơn điều trị mỗi ngày trong suốt quá trình mang thai và sinh con, và cho trẻ sử dụng thuốc HIV từ 4 đến 6 tuần sau sinh thì nguy cơ lây nhiễm cho trẻ có thể dưới 1%.

 

Tôi có thể bị nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm hoặc những dụng cụ tiêm chích ma túy khác không?

  • Bạn sẽ có nguy cơ cao nhiễm HIV nếu như sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc những dụng cụ tiêm chích ma túy khác với những người nhiễm HIV.
  • Bơm kim tiêm hoặc những dụng cụ tiêm chích ma túy khác đã qua sẽ dụng có thể chứa máu của người dùng trước đó, và máu thì có thể mang vi rút HIV .

 

Có những con đường nào có thể lây truyền HIV nữa không?

Những con đường sau là những đường hiếm khi lây truyền HIV, tuy nhiên vẫn đã được ghi nhận:

Quan hệ tình dục bằng miệng

  • Quan hệ tình dục bằng miệng bao gồm đặt miệng lên dương vật, âm đạo hay hậu môn.
  • Yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm HIV từ đường này bao gồm xuất tinh vào miệng kèm theo có loét miệng, chảy máu nướu răng, hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STDs)

 

Nơi làm việc

  • Nguyên nhân có thể là bị thương bởi kim tiêm bị nhiễm bẩn hoặc vật sắc nhọn khác
  • Thực hành đúng các biện pháp phòng ngừa sẽ bảo vệ người bệnh và nhân viên y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV nghề nghiệp

Từ thức ăn được nhai trước

  • Trường hợp duy nhất được biết đến là ở trẻ nhỏ, khi máu từ miệng của người chăm sóc trộn lẫn với thức ăn khi nhai để mớm cho trẻ.

 

   Cắn

  • Một số ít trường hợp ghi nhận có tổn thương rộng và có chảy máu. HIV có thể lây truyền khi có tiếp xúc giữa da bị tổn thương, vết thương hoặc niêm mạc và máu hoặc dịch cơ thể có lẫn máu của người nhiễm HIV.
  • Nếu da không bị tổn thương, không chảy máu thì không có sự lây truyền HIV.

 

 Hôn sâu

  • HIV không lây truyền qua nước bọt
  • Mặc dù rất hiếm nhưng nếu cả 2 người đều có vết loét, chảy máu nướu, và máu từ bạn tình nhiễm HIV lẫn vào máu của người chưa nhiễm HIV.

 

 

Truyền từ Nữ sang Nữ

  • Dịch âm đạo và máu kinh nguyệt có thể mang vi rút HIV và phơi nhiễm những dịch thể này qua niêm mạc (âm đạo hoặc miệng) có thể dẫn đến nhiễm HIV.

 

 

Xăm hình và xỏ khuyên

  • Nếu dụng cụ dùng để xăm hình và xỏ khuyên có dính máu của một người nào đó hoặc dùng chung mực xăm thì nguy cơ nhiễm HIV có thể xảy ra.

 

Dịch cơ thể nào có thể lây truyền HIV?

Chỉ một vài dịch cơ thể của bệnh nhân HIV có thể truyền HIV, bao gồm:

  • Máu,
  • Tinh dịch,
  • Dịch tiền xuất tinh,
  • Dịch trực tràng,
  • Dịch âm đạo,
  • Sữa mẹ.

Những chất tiết trên phải tiếp xúc với niêm mạc hoặc mô bị tổn thương hoặc được tiêm trực tiếp vào máu (bằng kim tiêm) để truyền HIV. Niêm mạc ở trong trong ruột, âm đạo, dương vật, và miệng.

Tài liệu tham khảo:

  1. “Topic HIV” – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.
  2. “Không phát hiện = không lây truyền” – Cục phòng, chống HIV/AIDS.
  3. Công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 9 về AIDS tại Paris 07/2017” - Cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS.

Bs. Nguyễn Hoàng Phúc Nguyên – P.TTGDSK [Tổng hợp]

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi