HOTLINE

Hỏi và đáp về tiếp cận khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân điều trị ARV (Thuốc điều trị HIV)

Câu 1: BN đang điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng đăng ký Khám chữa bệnh (KCB) ở BV huyện thì có được sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT không?

Trả lời: Năm 2019: không cần chuyển tuyến. Từ năm 2020 thì cần giấy chuyển tuyến từ tuyến huyện lên.

Câu 2: Bệnh nhân đăng ký KCB ban đầu tại một trung tâm y tế tuyến huyện của tỉnh khác nhưng đang điều trị thuốc ARV tại bệnh viện tuyến tỉnh của tỉnh khác ? Vậy cơ sở điều trị sẽ xử lý thế nào?

Trả lời: Trường hợp bệnh viện không phải cơ sở KCB BHYT ban đầu, tư vấn cho người bệnh chuyển đăng ký KCB BHYT ban đầu về bệnh viện/TTYT tuyến huyện của tỉnh mà người bệnh đang điều trị. Nếu người bệnh tiếp tục muốn điều trị BHYT tại bệnh viện tuyến tỉnh thì cần có giấy chuyển tuyến một năm/lần từ cơ sở điều trị tuyện nơi người bệnh đăng ký KCB BHYT ban đầu.

Câu 3: Tại các cơ sở điều trị cung cấp thuốc BHYT có một số bệnh nhân đang điều trị ARV nhưng chưa có thẻ BHYT thì giải quyết như thế nào?

Trả lời: Cần làm rõ lý do BN chưa có thẻ. Căn cứ theo lý do cụ thể của người bệnh, cơ sở điều trị cần làm việc với đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh để được hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người bệnh. Trong khi chờ đợi người bệnh được cấp thẻ BHYT, sử dụng thuốc ARV nguồn miễn phí do Cục PC HIV/AIDS điều phối.

Câu 4: Các bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân thì xử lý thế nào để hỗ trợ tiếp cận điều trị thuốc ARV nguồn BHYT?

Trả lời: Các cơ sở điều trị HIV/AIDS có trách nhiệm nhận ảnh do người bệnh tự cung cấp trong trường hợp người bệnh không có giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ xác nhận nhân thân để chuyển cho Bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế có ảnh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 quy định tại Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế.

Câu 5: Có BN không muốn tiết lộ thông tin theo BHYT, muốn mua thuốc ARV điều trị tự túc, theo dõi sức khỏe tại cơ sở điều trị HIV/AIDS thì nguồn thuốc ARV lấy ở đâu?

Trả lời: Trường hợp bệnh nhân không muốn điều trị ARV bằng nguồn BHYT và muốn tự chi trả, cơ sở điều trị có thể đàm phán với nhà cung ứng và đặt hàng mua của nhà cung ứng một số lượng thuốc nhất định để phục vụ cho các bệnh nhân sẵn sàng tự chi trả chi phí điều trị.

Câu 6: BN có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng để mua BHYT nhưng không thuộc diện nghèo nên cũng không được hỗ trợ mua thẻ thì hỗ trợ bệnh nhân như thế nào?

Trả lời: Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã bố trí ngân sách địa phương để thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng để mua thẻ BHYT nhưng không thuộc diện nghèo, cơ sở điều trị HIV/AIDS gửi danh sách các bệnh nhân cần hỗ trợ mua thẻ cho Đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS để rà soát, tổng hợp để mua và cấp thẻ từ các nguồn huy động hợp pháp.

Câu 7: Những trường hợp bệnh nhân được chính quyền của quận hỗ trợ mua thẻ BHYT nhưng lại bị thủ tục giấy tờ phức tạp nên BN vẫn không thể mua được BHYT thì làm thế nào?

Trả lời: Hiện nay quy trình hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV chỉ yêu cầu các cơ sở điều trị HIV/AIDS tổng hợp danh sách bệnh nhân điều trị ARV có nhu cầu mua và cấp thẻ BHYT theo biểu mẫu quy định của cơ quan BHXH. Đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp danh sách người nhiễm HIV cần mua và cấp thẻ BHYT của tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn gửi cơ quan BHXH rà soát nhằm tránh cấp trùng lặp thẻ BHYT. Sau khi rà soát, cơ quan BHXH thông báo cho Đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS danh sách người nhiễm HIV sau rà soát để được cấp thẻ BHYT. Như vậy về cơ bản bệnh nhân không phải làm các thủ tục giấy tờ phức tạp mà chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin theo như biểu mẫu quy định của cơ quan BHXH.

Câu 8: Trường hợp bệnh nhân đi làm ăn xa, dùng thẻ BHYT đến cơ sở điều trị khác để khám và nhận thuốc ARV, quy trình sẽ như thế nào để quản lý tốt bệnh nhân?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT-BYT: “Trường hợp người đang điều trị thuốc kháng HIV đi công tác có thời hạn, làm việc lưu động, học tập tại các địa phương khác có thời gian dài hơn thời gian cấp thuốc kháng HIV ngoại trú quy định hoặc người đang điều trị thuốc kháng HIV nhưng tạm trú tại địa phương khác thì người bệnh được KB,CB tại cơ sở KB,CB tương đương tuyến kỹ thuật ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và có KCB HIV/AIDS, trường hợp cơ sở KB,CB tuyến tương đương ghi trên thẻ bảo hiểm y tế không điều trị HIV/AIDS thì người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở tuyến huyện có KCB HIV/AIDS hoặc chuyển tuyến chuyên môn theo quy định”.

Như vậy, trước khi đi công tác, làm ăn xa… người bệnh đến cơ sở mà đang được điều trị ARV để đề xuất và được giới thiệu chuyển tuyến khám chữa bệnh tại nơi công tác, làm ăn xa… (người đi công tác, làm ăn xa…phải xuất trình ngoài thẻ BHYT, giấy xác nhận nhân thân phải xuất trình bản chính hoặc bản chụp giấy công tác, giấy cử đi học tập hoặc giấy xác nhận tạm trú…) để cơ sở đang điều trị ARV chuyển tuyến khám chữa bệnh cho người bệnh theo đúng quy định và quản lý được quá trình điều trị ARV liên tục của người bệnh.

(Thủ tục KCB BHYT tại Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Quản lý chuyển tuyến người bệnh tại Điều 9 Thông tư số 28/2018/TT-BYT về quản lý người bệnh HIV/AIDS)

Câu 9: Cơ sở điều trị HIV (Phòng khám chuyên khoa HIV) thuộc Trung tâm y tế quận /huyện thì có được xem như là tuyến quận /huyện được không? VD: một bệnh nhân có thẻ BHYT ở một bệnh viện huyện Chơ Mới ở tỉnh An Giang, đến Phòng khám chuyên khoa HIV thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè thì có được thanh quyết toán qua BHYT như một trường hợp đúng tuyến không?

Trả lời: Phòng khám chuyên khoa HIV thuộc trung tâm y tế quận/ huyện mà Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh hoặc Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa thì thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tuyến huyện ( Điều 4 Thông tư số 40/2015/TT-BYT).

Ví dụ, trường hợp, bệnh nhân có thẻ BHYT ở bệnh viện huyện Chơ Mới ở tỉnh An Giang, đến Phòng khám chuyên khoa HIV thuộc Trung tâm y tế huyện Nhà Bè (thuộc TP HCM) mà TTYT huyện Nhà Bè có chức năng khám bệnh, chữa bệnh mặc dù là đi KCB BHYT không đúng tuyến nhưng người bệnh vẫn được hưởng 100% chi phí KCB BHYT như KCB BHYT đúng tuyến (Khoản 3 Điều 22 Luật BHYT)

Câu 10: Những trường hợp bệnh nhân có BHYT trái tuyến thì xử trí như thế nào?

Trả lời: Trường hợp bệnh nhân có BHYT trái tuyến (Thẻ BHYT đăng ký KCB BHYT không đúng cơ sở đang điều trị bệnh) thì cơ sở KCB thuộc bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện 2 chức năng, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã giải quyết như sau:

Nếu thẻ BHYT đăng ký KCB BHYT tại Bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã trong địa bàn tỉnh, thành phố, được khám chữa bệnh BHYT và thanh toán 100% chi phí KCB BHYT

Nếu thẻ BHYT đăng ký KCB BHYT tại Bệnh viện tuyến huyện thuộc tỉnh khác mà cơ sở tiếp nhận người bệnh là bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện 2 chức năng thì người bệnh được thanh toán 100% chi phí KCB BHYT.

Câu 11: Những BN ngoại tỉnh đang điều trị tại Hà Nội không mua được BHYT tại tp HCM thì hướng dẫn BN như thế nào?

Trả lời: Nếu người bệnh đã có thẻ BHYT thuộc địa phương khác thì hướng dẫn người bệnh mang theo thẻ BHYT, giấy xác nhận tạm trú tại tp HCM  đến cơ quan BHXH quận, huyện tp HCM  để chuyển đăng ký KCB tại Bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa tại tp HCM

Trường hợp người bệnh chưa có thẻ BHYT thì hướng dẫn người bệnh tham gia BHYT tại địa phương nhưng xin đăng ký KCB tại cơ sở là bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện 2 chức năng, phòng khám đa khoa tại tp HCM

(Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT: Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).

Câu 12: Giấy chuyển tuyến BHYT chỉ có giá trị trong năm và việc xin chuyển tuyến BHYT khó khăn nên nhiều BN gặp khó khăn, không chuyển được hoặc không muốn xin chuyển tuyến BHYT thì làm thế nào?

Trả lời: Vấn đề khó khăn cho người bệnh khi các cơ sở yêu cầu phải xin giấy chuyển viện 01 lần trong năm hành chính được giải quyết như sau:

Đối với người bệnh HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế hiện nay đang điều trị thuốc kháng HIV tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương nếu có nhu cầu được tiếp tục điều trị HIV/AIDS tại cơ sở y tế đó đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019. Cơ sở y tế tiếp tục quản lý, điều trị bệnh và người bệnh không phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến đến khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS hằng năm.

(Điều 6 Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS)

                                                     (Theo Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tp HCM)

          

                                      CTV: Đinh Đức Điển – Khoa TV-HTCĐ,  HIV/AIDS

Chia sẻ nhận xét về bài viết

Gửi nhận xét
HỎI VÀ ĐÁP
Đánh giá
Gửi