Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.
Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm. Tại Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm. Điều này tác động đến kinh tế, xã hội hết sức to lớn. Chỉ tính riêng ở Mỹ, chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm.
Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao WHO và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng, kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.
Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng hết sức trầm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Thực trạng mua kháng sinh ở nước ta dễ như mua rau, bán kháng sinh dễ như bán tạp hóa khiến cho nhiều người chỉ mới cảm sốt hay ho, dù chưa cần dùng đến kháng sinh, nhưng cũng có thể tự ý sử dụng kháng sinh.
Sáng 10.11, chúng tôi đến một nhà thuốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, gần chợ Hòa Hưng, Q.10, TP.HCM) nói bị đau họng, ho. Ngay lập tức một nhân viên bán thuốc hỏi ho khan hay ho đàm, rồi lấy ra 4 loại thuốc tổng cộng 11 viên, trong đó có kháng sinh (là loại thuốc bán theo kê đơn của bác sĩ) và kháng viêm.
Chúng tôi tiếp tục đến một nhà thuốc cách đó không xa và cũng khai bệnh như trên, cô nhân viên bán thuốc lấy ra 3 loại với 11 viên, 1 loại được bóc vỉ, trong đó có thuốc kháng sinh.
“Mua bán thuốc kháng sinh ở VN phải nói là vô cùng mất trật tự. Bệnh một tí là cho sử dụng thuốc kháng sinh, cả kháng sinh mạnh, thế hệ mới là điều đáng lo, dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Khi đó người ta phải dùng kháng sinh mới hơn hoặc dùng lại kháng sinh cũ nhưng với liều rất cao gây nguy hiểm cho cơ thể. Vấn đề kháng thuốc xảy ra thường xuyên, có loại chỉ mới sử dụng khoảng một tháng đã xuất hiện dòng vi trùng kháng kháng sinh”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, lo ngại.
Vì vậy, WHO đề ra khẩu hiệu “Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa” kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam với thông điệp sau:
A-Thông điệp cho cộng đồng:
- 1. Chỉ mua và sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn.
- 2. Sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
- 3. Luôn dùng kháng sinh đủ liều, ngay cả khi sức khỏe đã khá hơn
- 4. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước
- 5. Không chia sẻ, dùng chung thuốc kháng sinh của mình cho người khác
- 6. Kháng kháng sinh: không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa
- 7. Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn.
B-Thống điệp cho cán bộ y tế:
1.Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
2.Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.
3.Chi kê đơn và sử dụng kháng sinh khi cần thiết.
4.Bán thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ
5.Phòng chống nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh
Bên cạnh đó, lực lượng y tế cần hướng dẫn bệnh nhân cách dùng kháng sinh đúng cách, tránh lạm dụng kháng sinh; tuyên truyền, phổ biến cho bệnh nhân về cách phòng ngừa nhiễm trùng như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn, che mũi và miệng khi hắt hơi. Mỗi cá nhân cần phải hiểu đúng để sử dụng kháng sinh một cách có trách nhiệm. Đặc biệt, cần thực hiện quyết liệt việc bán và sử dụng thuốc theo đơn, xử lý nghiêm những cửa hàng, hiệu thuốc làm trái quy định.
DS. Nguyễn Nguyên Khánh Ngọc – Khoa Dược – TTB-VTYT